Bangladesh: Trẻ bỏ học vì khủng hoảng khí hậu

GD&TĐ - Khủng hoảng khí hậu gây ra thiên tai nặng nề khiến khoảng 1,7 triệu trẻ em Bangladesh phải bỏ học, theo gia đình đi lao động kiếm thêm thu nhập.

Những căn nhà của người dân Bangladesh chìm trong biển lũ.
Những căn nhà của người dân Bangladesh chìm trong biển lũ.

Không có cơ hội học tập đầy đủ, tương lai của những đứa trẻ đang bị đe dọa.

Ngôi nhà của cậu bé Alamin, 12 tuổi, nằm bên bờ sông Ilsha, miền Nam Bangladesh nhưng đến năm 2021, dòng sông dâng cao khiến đất nông nghiệp hai bên bờ bị xói mòn. Không thể canh tác, gia đình Alamin buộc phải chuyển đến sống trong khu ổ chuột ở Keraniganj, gần thủ đô Dhaka.

Alamin cùng mẹ làm việc trong một xưởng đóng tàu. Số tiền kiếm được chỉ đủ nuôi sống gia đình gồm mẹ, Alamin và hai em nhỏ 3 và 5 tuổi. Việc học tập hiện nay là một điều xa xỉ. Trong khi trước đó, khi gia đình có đất canh tác, Alamin cùng em trai 5 tuổi được đi học tại một trường tiểu học địa phương.

Khi thời tiết khắc nghiệt gây bão, lũ lụt và xói mòn ở Bangladesh, hàng nghìn gia đình giống như gia đình Alamin phải chuyển đến sống trong các khu ổ chuột gần thủ đô Dhaka. Đối với trẻ em, việc chuyển nhà cùng gia đình đồng nghĩa phải bỏ học, bắt đầu cuộc sống lao động vất vả.

Trong báo cáo vào tháng 8/2021, UNICEF cảnh báo trẻ em ở các quốc gia Nam Á như Bangladesh, Afghanistan, Ấn Độ hiện đang phải đối mặt với những rủi ro cực kỳ cao do tác động của biến đổi khí hậu. Trên toàn cầu, khoảng một tỷ trẻ em ở 33 quốc gia phải đối mặt với tình trạng trên.

Hạn hán, lũ lụt và xói mòn trong khu vực Nam Á khiến hàng triệu trẻ em mất nhà cửa, đói khát, thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nước sạch. Nhiều trẻ em phải nghỉ học và không có cơ hội trở lại trường.

Theo UNICEF, hầu hết trẻ em Bangladesh không học tiểu học sống trong các khu ổ chuột ở đô thị, khu vực khó tiếp cận hoặc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai. Cũng theo nghiên cứu của cơ quan này, khoảng 1,7 triệu trẻ em Bangladesh là công nhân lao động.

1/4 trong số đó là trẻ em 11 tuổi trở xuống. UNICEF cũng lưu ý, nhiều trẻ em gái ở nhà phụ giúp gia đình, thường không xuất hiện trong số liệu thống kê nên số trẻ bỏ học thực tế có thể cao hơn.

Trong những khu ổ chuột xung quanh Dhaka, trẻ em làm việc trong các xưởng thuộc da, xưởng đóng tàu, tiệm may hoặc xưởng sửa chữa ô tô. Số khác làm việc trong chợ rau, bốc vác hành lý ở các bến xe bus, xe lửa hay thuyền.

Em Alauddin, 10 tuổi, đã làm việc trong một chợ rau ở Dhaka vài tháng trở lại đây. Cậu bé cho biết từng theo học tại Trường Tiểu học Debraipatch, gần thành phố Jamalpur, phía Đông Bắc Bangladesh, cho đến khi một trận lũ lớn vào năm ngoái đã phá hủy trường học cũng như nhà cửa, đất đai của gia đình em.

Họ chuyển đến sống trong khu ổ chuột ở Dhaka, nơi cha em kéo xe, mẹ em làm công việc quét dọn bán thời gian cho một trường tư thục. Riêng Alauddin thường kiếm được khoảng 1,15 USD mỗi ngày, một khoản tiền quan trọng đối với gia đình em.

Cha của Alauddin bày tỏ: “Các con tôi sẽ không bao giờ đi học lại. Chúng tôi đang phải vật lộn với tiền thuê nhà và sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi sẽ trả tiền cho các con đi học bằng cách nào?”.

Ông Mobihul Hasan Chowdhury, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Bangladesh, cho biết, những trận lũ lụt năm ngoái đã gây thiệt hại cho hơn 500 cơ sở giáo dục trên cả nước. Tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu đang là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em nước này bỏ học.

Ông Tuomo Pautiainen, chuyên gia giáo dục Bangladesh, nhận định, trẻ em bị buộc làm việc từ rất sớm có thể phải đối mặt với tổn hại cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như mất cơ hội học hành. Điều này hạn chế sự phát triển trong tương lai của các em và kéo theo vòng lặp của đói nghèo, lao động trẻ em.

Theo Aljazeera

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ