Bangladesh: Nhiều nữ sinh bỏ học vì tảo hôn sau dịch Covid-19

GD&TĐ - Một số trường học tại Bangladesh ghi nhận gần 70% nữ sinh lớp 9, 10 chưa trở lại lớp khi năm học mới diễn ra vào đầu tháng 9.

Hàng nghìn nữ sinh Bangladesh tảo hôn trong dịch Covid-19.
Hàng nghìn nữ sinh Bangladesh tảo hôn trong dịch Covid-19.

Nhiều trẻ em gái Bangladesh mong muốn được đến trường nhưng không thể vì các em đã kết hôn trong thời gian trường học đóng cửa.

Một nữ sinh 15 tuổi giấu tên tại Trường Trung học Gilatola, thành phố Khulna, cho biết đang tìm mọi cách để được trở lại học tập. Tuy nhiên, hy vọng của em là rất mong manh vì em đã lấy chồng.

Bà Fatema Begum, mẹ của nữ sinh, thừa nhận biết rằng tảo hôn là bất hợp pháp nhưng trong hoàn cảnh nghèo túng, gia đình không còn lựa chọn nào khác. Câu chuyện của gia đình Begum là tình cảnh chung của rất nhiều trẻ em gái tại Bangladesh. Các chuyên gia lo ngại những “cô dâu nhí” sẽ không bao giờ được tiếp tục việc học.

Nghiên cứu của Quỹ Manusher Jonno, Bangladesh, chỉ ra trong 18 tháng Covid-19, hơn 13 nghìn trẻ em gái trên khắp đất nước bị buộc kết hôn sớm. Con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều trường hợp không được báo cáo.

Trong thời gian này, tổ chức cứu trợ và chính quyền nhiều địa phương đã ngăn chặn hàng trăm cuộc tảo hôn. Nhưng mọi việc sẽ không thể giải quyết triệt để nếu tình trạng đói nghèo, lạc hậu chưa chấm dứt.

Bà Maleka Begum, Tổng thư ký Bangladesh, kêu gọi giáo viên, ban giám hiệu các nhà trường tuyên truyền đến phụ huynh những tác động tiêu cực của tảo hôn.

“Nạn tảo hôn là vấn đề nhức nhối xã hội. Các cô gái đã lấy chồng hiếm khi quay lại trường học. Phụ huynh cần hiểu được hậu quả của nạn tảo hôn và tầm quan trọng của học tập đối với phụ nữ, trẻ em gái”, bà Begum bày tỏ.

Theo DhakaTribune

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.