Nhiều quan điểm đồng tình, nhưng cũng không ít phản biện cho rằng, chỉ nên áp dụng khi ban hành mới các quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo cho các loại hình đào tạo hiện nay để bảo đảm đồng bộ về chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra giữa các loại hình đào tạo. Ai cũng đưa ra lý lẽ minh chứng, nhưng có một điều không thể phủ nhận là việc, bằng đại học chỉ là điều kiện đủ để người đó chính thức bước chân vào thị trường lao động. Còn để có lương bổng tốt, khả năng thăng tiến nhanh còn phụ thuộc vào năng lực chuyên môn, khả năng thích ứng và hiệu quả công việc.
Ở Việt Nam có một thực tế là người sử dụng lao động khi tuyển dụng thường đánh giá cao các trường đại học uy tín và thương hiệu mạnh, sau đó mới xem xét đến các đánh giá xếp loại kết quả học tập, tốt nghiệp. Chúng ta không phủ nhận chất lượng đào tạo, xếp loại tốt nghiệp của mỗi đại học có những khác biệt và chưa thật chính xác.
Nhưng nói gì thì nói, trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đang hội nhập khu vực và quốc tế một cách mạnh mẽ, cũng cần phải theo thông lệ chung. Nhiều chuyên gia bảo vệ quan điểm không ghi xếp loại và loại hình đào tạo trên bằng tốt nghiệp đại học vì hầu hết các nền giáo dục tiên tiến đều thực hiện như vậy. Chúng ta không thể là ngoại lệ và cũng nên theo thông lệ quốc tế.
Trên thế giới, bằng cấp của những đại học danh tiếng như Đại học Harvard, Cambridge, Oxford, Tokyo… là sự bảo đảm về uy tín của nhà trường, danh dự của giáo sư, tiếng tăm về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, cơ sở đào tạo danh tiếng này đã cung cấp cho xã hội những sản phẩm chất lượng cao, được thị trường quốc tế ghi nhận.
Chúng ta cũng đã có những đại học đang dần khẳng định về uy tín và chất lượng. Điều này minh chứng cho nỗ lực hội nhập toàn diện của giáo dục đại học Việt Nam. Một hệ thống quản lý chất lượng giáo dục đào tạo được xây dựng bài bản, khoa học, chặt chẽ đã và đang hình thành, đem lại giá trị chất xám cao. Tuy nhiên, cũng còn có những trường vẫn quẩn quanh trong mớ bòng bong, chỉ mong sao có được nhiều người học để tăng nguồn thu.
Không thể chỉ vì những băn khoăn của số trường chưa đủ uy tín và chất lượng mà ngăn cản đà bước của hội nhập. Quyết định không ghi nội dung đánh giá về cấp độ, bỏ phân biệt về loại hình đào tạo trên văn bằng là bước đi mạnh mẽ và thể hiện quyết tâm hội nhập của ngành Giáo dục. Điều này đồng nghĩa, các nhà trường sẽ xóa bỏ mọi ranh giới, không còn những trình bày rườm rà trên các loại văn bằng đào tạo.
Đây chính là sự rõ ràng, minh bạch trong mỗi quan hệ giữa cơ sở đào tạo và người được đào tạo. Ở đây họ đối diện nhau và chịu trách nhiệm lẫn nhau. Người học có được bằng tốt nghiệp phải bảo đảm đủ kiến thức. Người dạy khi đã ký vào bằng tốt nghiệp đó cũng đồng nghĩa với cam kết về chất lượng đào tạo của mình. Khi đó, gia đình, xã hội và người sử dụng lao động sẽ là những giám sát viên, đánh giá lại sự trung thực tin tưởng của tấm bằng đại học. Nói một cách khác, khi một trường nào đó cấp phát văn bằng, thì uy tín và thương hiệu sẽ là thước đo tạo nên giá trị tấm bằng đó.