Cụ thể là, một bài kiểm tra IQ nhằm xác định các công dân Đan Mạch có đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ trong quân đội hay không đã cho thấy, các kết quả thu được giảm 1,5 điểm kể từ năm 1998. Các cuộc kiểm tra tiêu chuẩn ở Anh và Australia cũng thu được kết quả tương tự.
Các chuyên gia vẫn chưa thống nhất ý kiến về việc liệu xu hướng này có diễn ra dài hạn hay không. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu tin rằng, việc loài người đang ngày càng trở nên kém thông minh hơn nhiều khả năng do chúng ta đã đạt đỉnh về trí tuệ.
Trong khoảng từ giữa những năm 1930 tới những năm 1980, chỉ số IQ trung bình ở Mỹ tăng 3 điểm và ở Đan Mạch cũng như Nhật Bản sau chiến tranh cũng tăng đáng kể. Xu hướng này được biết đến với tên gọi là “hiệu ứng Flynn”.
Theo TS James Flynn thuộc Đại học Otago (New Zealand), người đã phát hiện và được đặt tên cho hiệu ứng, sự thông minh gia tăng như vậy bắt nguồn từ việc các điều kiện sống và dinh dưỡng được cải thiện, cũng như tình trạng giáo dục tốt hơn.
Hiện, một số chuyên gia tin rằng, chúng ta đang bắt đầu chứng kiến sự kết thúc của hiệu ứng Flynn ở các nước phát triển, và rằng, chỉ số IQ đang không duy trì mà bắt đầu suy giảm.
Các nhà khoa học kể cả tiến sĩ Flynn tin, nền giáo dục tốt hơn có thể đảo ngược xu hướng trên và nhấn mạnh, sự suy thoái như hiện nay có thể chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, các nhà khoa học khác không lạc quan đến như vậy.
Một số chuyên gia quả quyết, hiệu ứng Flynn đã che giấu sự suy thoái về nền tảng di truyền cho sự thông minh. Vì vậy, trong khi ngày càng có nhiều người đạt tới ngưỡng tiềm năng tối đa của họ, bản thân ngưỡng tiềm năng này đã và đang suy giảm.
Một số nhà nghiên cứu khác thậm chí nhận định, điều này có thể vì những người có giáo dục đang quyết định sinh ít con hơn, nên các thế hệ tiếp theo chủ yếu bao gồm những người kém thông minh hơn.
Nhà tâm lý học Richard Lynn đến từ Đại học Ulster (Anh) đã tính toán sự suy thoái về tiềm năng di truyền của loài người. Sử dụng các kết quả IQ trung bình trên toàn thế giới từ năm 1950 đến năm 2000, ông phát hiện, trí tuệ của chúng ta nói chung đang giảm tương đương 1 điểm IQ.
Nhà nghiên cứu này nói, nếu xu hướng này tiếp tục, loài người sẽ mất thêm 1,3 điểm IQ nữa vào năm 2050.