Đến với bản Troi
Ban đầu, nhóm từ thiện của chúng tôi chỉ 2 thành viên, gây quỹ bằng việc phát hành tập thơ “Thế giới ngủ trong đường viền” của nhà giáo, nhà thơ Trần Thị Huê. Sau một thời gian hoạt động, nay đã có 6 thành viên, tất cả đều là nhà giáo, những người đã hơn nửa cuộc đời gắn liền với nghiệp chữ, tuổi tác phần lớn đã ngoại tứ tuần.
Chúng tôi đều sinh ra và lớn lên từ trong gian khó, từ những miền quê khác nhau của đất mẹ Quảng Bình ngồn ngộn gió Lào và cát trắng. Đều có chung một ước nguyện, đồng cảm với những cuộc đời khó khăn, những học trò luôn ước mơ đến với con chữ nhưng lại vất vả vật lộn với cuộc sống mưu sinh đầy gian nan. Chúng tôi đã rất hạnh phúc khi được là những người đại diện đưa tình thương của nhiều người đến với vùng cao Thượng Trạch, miền đất giữa bao la núi biếc của dãy Trường Sơn.
Sau một thời gian vận động gây quỹ và sự ủng hộ của nhiều tấm lòng hảo tâm, chúng tôi đã mua tặng điểm trường bản Troi một loa kéo cỡ lớn để phục vụ cho HS hoạt động ngoài giờ, 20 bộ sách giáo khoa, vở viết và đồ dùng học tập. Hỗ trợ mỗi hộ gia đình một suất quà, góp phần vơi bớt khó khăn cho đồng bào trong mùa dịch Covid-19.
Đến với bản Troi, chúng tôi mới thực sự hiểu hết hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. Vâng! Không chỉ chúng tôi hiểu, đây là một hiện tượng thời tiết đặc biệt giữa hai sườn núi của dãy Trường Sơn, bởi đó là hiện tượng Phơn (hay gió Lào mà ông cha ta thường gọi). Chúng tôi đã thực sự rõ mình, rõ những con người nơi đây.
Đó là người dân tộc Ma Coong với cuộc sống còn rất nhiều khó khăn và vẫn bị ràng buộc bởi những hủ tục lạc hậu. Đó là những người lính biên phòng đang ngày đêm canh giữ vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, nhất là trong thời điểm dịch bệnh hoành hành như hiện nay. Đó là những người thầy giáo cắm bản, họ luôn đau đáu mang cái chữ đến cho dân bản, cho những học trò vốn sinh ra đã không biết đến những chiếc áo mới, những đôi dép thơm mùi thành thị.
Giấc mơ con chữ
Bản Troi hiện nay có 25 hộ đồng bào dân tộc Ma Coong nhưng chỉ có 20 HS “trong độ tuổi đến trường”. Tất cả đều ở nhà sàn, là những căn nhà do chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình xây dựng. Gần như sống quây quần trong một khu vực, cũng có suối, có đèo, có dốc, có đất đai và nguồn nước ngầm. Ngôi nhà của trưởng bản ở ngay đầu bản, chúng tôi đã nhờ “phòng khách” của trưởng bản để chia quà và phát kẹo, có lẽ đây là ngôi nhà gọn gàng, ngăn nắp nhất, đặc biệt là chiếc tivi khá to chạy bằng năng lượng mặt trời.
Xuất phát tại thị xã Ba Đồn 5h30 sáng, vượt gần 100km đường rừng, khi đến bản đã chạm 11 giờ trưa. Lý do sự chậm trễ này khá chính đáng, đoàn dừng chân dâng hương ở Đền thờ liệt sỹ Hang Tám Cô và một số địa điểm khác trên Đường 20 Quyết thắng. Tuyến đường một thời đã nhuốm bao xương máu của cha ông trong cuộc trường chinh đánh giặc. Trong khi làm thủ tục ở đồn Biên phòng Cà Ròong, chúng tôi được thăm khám, đo thân nhiệt, kiểm tra hành trình trước khi vào bản...
Trở lại câu chuyện tại bản Troi. Chúng tôi được các bộ phận có liên quan giúp đỡ, nên việc phát quà diễn ra tốt đẹp và khá thú vị. Ông già trưởng bản đánh một hồi chiêng, ngay lập tức tất cả người dân từ trẻ đến già tập trung tại nhà trưởng bản. Họ mừng, vui, cười nói, hồ hỡi nhận quà.
Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất mà chúng tôi nhận được. Bên lề câu chuyện, chúng tôi cũng đã tìm hiểu thêm vài nét về cuộc sống của bà con ở đây. Băn khoăn nhất là tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra, mặc dù chính quyền địa phương đã có những biện pháp tuyên truyền, vận động nhưng chuyển biến chưa được như mong muốn. Một cô gái rất trẻ, ở tuổi 17 nhưng đã có 3 mặt con, mỗi đứa chỉ cách nhau 1 tuổi.
Có lẽ đời sống của bà con đồng bào dân tộc đã ăn sâu bám rễ với hủ tục, với những tập quán lạc hậu. Điều chúng ta dễ nhận ra, những hộ dân ở đây cứ sinh con ra, lớn lên chỉ quanh quẩn sinh sống trong bản, làm ăn theo hình thức nương rẫy, đến tuổi lại kết hôn cận huyết thống với nhau. Đây, chắc chắn là căn nguyên của mọi vấn đề.
Vừa phát quà, chúng tôi vừa thưởng thức những cơn mưa rừng, như muốn bày tỏ với chúng tôi rằng: Tây Trường Sơn mùa này là thế! Thực sự chúng tôi đã chạm đỉnh Trường Sơn, nơi đã đi vào sự nghiệp thi ca của nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/Bên nắng đốt, bên mưa bay/Em dang tay, em xòe tay/ Chẳng thế nào mà xua tan mây...”. Lần đầu tiên được thấy không gian “Đông nắng/Tây mưa”, lòng dạ chúng tôi cứ bồi hồi, bao nguồn cảm xúc dâng trào. Chỉ có điều, những chủ nhân bản Troi, sau khi nhận xong những thức quà của anh em thiện nguyện, họ lại trở về trong những ngôi nhà sàn của mình. Cả một khoảng trời vừa rộn lên bỗng yên ắng trở lại, giữa bao la núi và ào ạt cơn mưa rừng…
Lớp học trong lòng dân
Thượng Trạch là xã biên giới, địa hình hiểm trở, người dân sống phân bổ rải rác trong 17 bản, cuộc sống ở đây khiến ai mới đến lần đầu cũng thấy cay cay nơi khóe mắt. Toàn xã hiện có 1 trường PTDT nội trú, 1 Trường Mầm non tại trung tâm. Có hai trường tiểu học với 17 điểm trường được phân bố đều khắp các bản. Troi là một trong số 17 bản, người dân sinh sống khá tập trung, vây quanh trong một khu vực. Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch gồm 35 thầy cô giáo, chủ yếu là từ miền xuôi lên. Có người đã từng cắm bản hàng chục năm. Thầy giáo Phương, Phó Hiệu trưởng phụ trách điểm trường Troi cho biết: “Hầu hết, các thầy cô từ miền xuôi lên đây cắm bản với cuộc sống nhiều khó khăn, gian khổ. Trong đó phần lớn là thầy giáo trẻ mới ra trường, cũng có thầy tuổi đã cao nhưng vẫn âm thầm làm bạn với núi rừng Trường Sơn trong nhiều năm nay”.
Điểm trường Troi khi mới bước tới, chúng tôi cứ tưởng đó là nhà dân, bởi nó nằm ngay trong bản và có hình dáng tương tự. Căn nhà sàn này được chia làm 3 phòng bằng gỗ. Phòng thứ nhất bên phải dành cho 2 thầy giáo ở, ngăn phòng vừa đủ đặt 2 chiếc giường một và thêm một không gian đủ để đặt mấy cái nồi và chiếc bếp ga mini. Phòng thứ 2 dành cho lớp ghép 1,2 và phòng bên trái là lớp ghép 3,4,5. Trong câu chuyện về tình hình học tập của các em, thầy Phương cho biết thêm: “Tổng 2 lớp học là 20 em, tất cả đều đúng độ tuổi. Môn học chính là Toán và Tiếng Việt, mục tiêu cũng chỉ mong các em biết đọc, biết viết. Hai thầy phải rèn cho từng em, cầm tay nắn nót từng chữ, nhưng các em nắm bài cũng rất chậm. Không những thế, đến buổi học, hai thầy phải đến nhà, có khi phải lên đón từng em từ các chòi ở nương sắn, rẫy lúa về. Nếu không các em cũng không đến học. Thậm chí đôi khi các chú bộ đội biên phòng phải đến vận động các em mới chịu về”. Như thế để thấy, có được con chữ ở trên đỉnh Trường Sơn, không phải là điều dễ dàng!
Cảm động về người thầy của bản
Song, trong cái khoảng lặng này, chúng tôi cũng đã có được một câu chuyện thật cảm động, lóe lên những tia hy vọng và niềm vui giữa đại ngàn Trường Sơn. Trong số những người thầy của Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch, có một thầy giáo chính là người con của bản. Đây cũng là một trong 2 người thầy dạy tại điểm trường Troi và là 1 trong 3 người thầy dân tộc Ma Coong của xã Thượng Trạch.
Cách đây khoảng 24 năm, trên mảnh đất hoang sơ giữa núi rừng Trường Sơn, có một bà mẹ Ma Coong sinh được một đứa con (không rõ bố), không may ngay sau khi sinh lại mắc bệnh hiểm nghèo và không qua khỏi. Tục người Ma Coong lúc bấy giờ mẹ mất thì phải chôn sống con theo. Giữa sự sống và cái chết của đứa trẻ chỉ đếm bằng giây ấy, có một người tên là Nguyễn Diều đã đến xin phép dân bản được xóa bỏ hủ tục và đưa đứa trẻ về nuôi.
Ông Diều vốn là người Kinh ở xứ Huế, trong một ngày “giông gió” giữa tháng 6/1986, không biết cơ duyên gì đã lặn lội lên Thượng Trạch và gặp gỡ một người phụ nữ Ma Coong đã có hai mặt con, một trai, một gái nhưng không biết chồng là ai. Họ đã nên duyên chồng vợ. Sau khi đưa đứa trẻ về nuôi, vốn người mẹ đặt tên là Đinh Đường, ông đổi sang tên là Nguyễn Văn Vinh để mang dòng họ của ông. Cùng với hai đứa trẻ khác, cậu bé Vinh cứ thế lớn lên trong sự chăm sóc và nuôi dạy của người cha nuôi Nguyễn Diều. Mặc dù ông không được học hành nhiều, nhưng vì là người xuôi lên, lại có khí chất thông minh, tiếng nói của ông có sức thuyết phục với bà con, nên chính quyền cấp trên đã cân nhắc ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thượng Trạch trong nhiều năm qua. Hiện nay, ông đã nghỉ hưu và còn được xã mời đảm nhiệm Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã.
Điều đáng trân trọng là, Vinh được chăm nuôi, được học hết THCS, vào THPT trường Dân tộc nội trú Quảng Bình. Sau khi học hết THPT, Vinh thi đỗ ngành Sư phạm Tiểu học - Trường Đại học Quảng Bình. Năm 2018, sau khi ra trường, cậu bé Đinh Đường ngày nào, đã trở thành thầy giáo Nguyễn Văn Vinh, trở về ươm chữ ngay trên chính mảnh đất mà mình đã sinh ra và lớn lên.
Hiện, trong 3 người con của ông Nguyễn Diều thì có 2 người là nhà giáo, đều được nuôi dưỡng và học tập tương tự. Ngoài thầy Vinh, anh trai thầy đang dạy học ở Trường Tiểu học số 1 Thượng Trạch. Còn người con gái tên Đinh Y Nương là cán bộ Hội phụ nữ xã. Trong quá trình dạy học, được đồng nghiệp yêu, trò quý, thầy giáo Nguyễn Văn Vinh còn có nhiều năng khiếu, như giỏi đánh bóng chuyền, hát hay. Khi còn là SV Trường Đại học Quảng Bình, thầy đã từng đạt giải Ba trong Hội thi tiếng hát SV 2017, giải Ba Hội thi tìm kiếm tài năng QBU’S GOT TALENT.
*
* *
Giữa đất trời Trường Sơn thênh thang gió và dào dạt những cơn mưa rừng, tôi đã nghe được tiếng thì thầm của đất, nghe được những âm vang của con khe, con suối và ngan ngát màu hoa chạc quạch. Nghe được tiếng thì thào của con chữ, dẫu trên những đồi sắn, rẫy lúa còn xen lẫn âm thanh của sỏi đá... Tạm biệt bản Troi, chúng tôi hứa sẽ quay trở lại một ngày không xa, được ôm đứa con bé bỏng của thầy giáo Nguyễn Văn Vinh và người vợ cùng quê hương trên miền sơn cước, cùng nhau thưởng thức bản nhạc Anh là người con của bản mà nhà thơ Trần Thị Huê vừa sáng tác.