Bàn triển khai chương trình mới, 3 đô thị ĐH; tuyên dương HSSV dân tộc

GD&TĐ - Quốc hội trao đổi về việc giãn thời gian áp dụng chương trình, SGK mới; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp làm việc với lãnh đạo 3 ĐH lớn; 161 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc được tuyên dương; 1 nhà khoa học Việt Nam nhận Huy chương Pushkin… là những nội dung giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình trước Quốc hội về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày Tờ trình trước Quốc hội về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới.

Xin lùi thời điểm triển khai chương trình mới để đảm bảo chất lượng

Phiên họp chiều 2/11, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới.

Theo Tờ trình này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021 - 2022.

So với lộ trình nêu tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và SGK mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp THCS chậm 2 năm và ở cấp THPT chậm 3 năm.

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với nội dung Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, đổi mới chương trình, SGK là vấn đề lớn, ảnh hưởng lớn đến cả thế hệ, do đó chuẩn bị cẩn trọng là cần thiết.

Về phương thức triển khai, nhiều đại biểu nhận định, thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, số lớp ở 1 cấp học áp dụng chương trình SGK mới tăng dần, đi từ dễ đến khó như trong Tờ trình là đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc, triển khai chương trình, SGK mới một cách chắc chắn, nhất là đối với chương trình một số môn học tích hợp ở THCS và lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp ở THPT.

Dịp này, các đại biểu đồng thời đưa ra những kiến nghị, giải pháp để triển khai hiệu quả chương trình, SGk giáo dục phổ thông mới; trong đó nổi bật là những kiến nghị liên quan đến nhà giáo như: đề xuất tăng lương cho giáo viên bằng cách sửa đổi Luật Giáo dục, sớm đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật năm 2019…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ có cuộc làm việc với lãnh đạo ĐHQG Hà Nội, TĐHQG P.HCM, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ có cuộc làm việc với lãnh đạo ĐHQG Hà Nội, TĐHQG P.HCM, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: Chinhphu.vn

3 ĐH lớn sẽ được tập trung xây dựng thành khu đô thị ĐH

Chiều 2/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM và ĐH Đà Nẵng.

Theo Chinhphu.vn, kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh: cả trung ương và địa phương, nhất là Bộ GD&ĐT, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM và ĐH Đà Nẵng “dồn lực để tập trung phát triển 3 đại học này thành những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, trước hết là cho 3 vùng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

3 ĐH sẽ được tập trung xây dựng thành khu đô thị đại học có quy hoạch xứng tầm để có hạ tầng bảo đảm cho sự phát triển. Đây phải là những đại học đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng của đại học Việt Nam trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học.

Đề án phát triển tái cấu trúc 3 ĐH cần thực hiện theo quy hoạch chung về phát triển 3 đô thị ĐH tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, trong đó 3 ĐH là trung tâm. Mục tiêu của 3 ĐH là có mặt trong bảng xếp hạng đại học của thế giới.

Cũng liên quan đến giáo dục ĐH, tuần qua, Trường ĐH Fulbright Việt Nam công bố trên báo chí, nhận hồ sơ ứng tuyển “Năm học đồng kiến tạo”. Đáng chú ý là năm đầu tiên sinh viên được nhận học bổng toàn phần gồm học phí và tiền ăn ở; mỗi năm học tiếp theo, học phí hàng năm dự kiến khoảng 460 triệu đồng; chi phí sinh hoạt dự kiến khoảng 70 triệu đồng.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng bằng khen cho những HSSV dân tộc thiểu số xuất sắc. Ảnh: giaoducthoidai.vn
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng bằng khen cho những HSSV dân tộc thiểu số xuất sắc. Ảnh: giaoducthoidai.vn

Tuyên dương 161 HSSV dân tộc thiểu số; 1 nhà khoa học Việt Nam nhận Huy chương Pushkin

Báo Giáo dục và Thời đại đã đưa tin: ngày 4/11, Ủy ban Dân tộc, Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp vinh danh 161 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu năm 2017. Trong số này có có 95 học sinh đạt giải quốc gia các môn văn hóa; 62 học sinh đạt điểm cao được xét tuyển đại học năm học 2016 - 2017; 4 sinh viên đạt huy chương trong các cuộc thi đấu thể thao quốc tế.

Đặc biệt có 13 học sinh dân tộc rất ít người đạt thành tích xuất sắc, như em Lý Minh Thắng (dân tộc Cống ở Mường Tè Lai Châu) đỗ Trường ĐH Luật với số điểm cao; em Phù Thái Việt (dân tộc Pà Tẻn ở Hà Giang) đoạt HCĐ Pencat Silat Đông Nam Á.

PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh. Ảnh: Dân trí
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh. Ảnh: Dân trí

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã trao giải thưởng nhà nước Liên bang Nga - Huy chương Pushkin năm 2017 cho PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh - cố vấn khoa học của Phòng đọc Thế giới Nga thuộc Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Theo PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh từng tham gia công trình hợp tác giữa Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam (nay là Bộ GD&ĐT) với Bộ Đại học Nga về biên soạn bộ giáo trình tiếng Nga. Năm 1986, bà được mời tham gia làm bộ Đại từ điển Việt - Nga. Đây là công trình hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn Lâm Khoa học Liên bang Nga) và Ủy ban Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Trước khi về làm cố vấn khoa học tại Khoa Quốc tế, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh đã có 15 năm giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ