Theo đó, việc bố trí cán bộ sau khi từ chức, miễn nhiệm thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và theo định hướng: Cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác thì cấp có thẩm quyền xem xét theo nguyện vọng.
Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, đối với cán bộ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác, cán bộ làm đơn gửi ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương nơi công tác.
Tiếp đến, nơi nhận sẽ họp, cho ý kiến và gửi văn bản báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (gửi qua Ban Tổ chức Trung ương).
Sau đó, Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục theo quy định.
Đối với cán bộ có nguyện vọng tiếp tục làm việc còn dưới 5 năm công tác, Ban Tổ chức Trung ương quy định rõ từng trường hợp.
Cụ thể, với cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; trao đổi với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác về việc thực hiện chủ trương của Đảng (gồm cả trường hợp cán bộ bị kỷ luật là người đứng đầu).
Tiếp đó, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng có trách nhiệm trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; báo cáo ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương nơi cán bộ công tác để cho ý kiến và gửi văn bản báo cáo Bộ Chính trị (qua Ban Tổ chức Trung ương).
Trên cơ sở ý kiến này, Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến (bằng văn bản) của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các cấp ủy, tổ chức Đảng có liên quan; tổng hợp ý kiến các cơ quan, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục theo quy định.
Với các chức danh khác của cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương, Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác về việc thực hiện chủ trương của Đảng.
Người đứng đầu có trách nhiệm trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; báo cáo ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương nơi cán bộ công tác để cho ý kiến và gửi văn bản báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương).
Trên cơ sở ý kiến này, Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến (bằng văn bản) của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các cấp ủy, tổ chức Đảng có liên quan; tổng hợp ý kiến, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục theo quy định.
Với trường hợp còn từ 5 năm công tác trở lên, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, quy trình xem xét tương tự như trường hợp cán bộ còn dưới 5 năm công tác.
Sau khi cấp có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm, cho từ chức, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương xem xét, bố trí công tác khác đối với cán bộ theo thẩm quyền.