Công tác cán bộ thuộc quyền quyết định của Đảng, theo đó Đảng có trách nhiệm bố trí, sắp xếp, giới thiệu người ra ứng cử vào các vị trí lãnh đạo, điều hành trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Việc Đảng lựa chọn cán bộ là hoàn toàn hợp lý, đúng đắn, vì Đảng luôn tuân theo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch, dựa vào năng lực, sở trường của cán bộ để sắp xếp, bố trí công việc. Điều này được chứng minh qua suốt chiều lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước từ khi Đảng thành lập.
Tuy nhiên, hiện nay mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động mạnh đến nhiều mặt đời sống xã hội và đang có dấu hiệu lan sang lĩnh vực chính trị, quản lý nhà nước, trong đó có công tác tổ chức, cán bộ.
Xuất hiện này càng nhiều tình trạng sắp xếp, bố trí lãnh đạo, quản lý không dựa vào năng lực, sở trường mà chỉ dựa vào các mối quan hệ thân quen, gia đình, bè phái, cục bộ… mà dân gian thường ví von “tiền tệ, hậu duệ, quan hệ…”.
Đặc biệt, một số nơi lợi dụng chủ trương trẻ hóa cán bộ mà bố trí, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý quá “non” kinh nghiệm, yếu cả về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như uy tín, khả năng quản lý, điều hành. Nhiều cán bộ mới ra trường, làm việc ở cơ quan, đơn vị chỉ vài năm, vì mối quan hệ nào đó mà được bố trí giữ các chức vụ cao.
Có thể khẳng định nếu chưa trải qua thực tiễn công tác thì dù có thông minh, tài giỏi đến mấy cũng không thể quản lý, điều hành hiệu quả được. Bởi vì, họ thiếu cái quan trọng nhất để trở thành cán bộ, quản lý đó là thực tiễn, kinh nghiệm công tác và uy tín cá nhân- những cái mà chỉ có qua quá trình công tác, rèn luyện, tích lũy nhất định mới có được.
Chính điều này đã dẫn đến tình trạng cơ quan, đơn vị nhà nước hoạt động kém hiệu quả, trì trệ, xảy ra sai phạm lớn kinh doanh hoặc làm ăn thua lỗ, gây thiệt hại lớn cho tài sản nhà nước. Ban hành những văn bản thiếu thực tiễn, không áp dụng được vào thực tiễn…Đây là nguyên nhân gây bức xúc, bất bình đối với cán bộ, nhân dân thời gian qua.
Thực tế nhiều cán bộ sau khi được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước không có khả năng quản lý, điều hành, không phát huy được năng lực, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đa số những người này không có đột phá trong công tác quản lý, điều hành hoặc đề ra được các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp được giao quản lý, điều hành mà chủ yếu là đi theo lối mòn cũ, theo kiểu “trước sao, nay vậy”.
Do đó, trường hợp có thay đổi hoặc xảy ra biến cố đòi hỏi người lãnh đạo phải có kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh để giải quyết vấn đề nảy sinh, đáp ứng sự thay đổi đó thì họ lại không thể thực hiện được.
Mặt khác, do yếu chuyên môn, nghiệp vụ và không có kinh nghiệm, uy tín nên phải dựa vào đội ngũ tham mưu, giúp việc, vì thế trong trường hợp cấp dưới thực hiện hành vi sai trái, vi phạm pháp luật cũng không có khả năng kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh hoặc kiểm soát, xử lý các sai phạm.
Thiết nghĩ, công tác cán bộ là rất quan trọng, quyết định mọi thành bại của công việc, vì vậy cần phải đặc biệt coi trọng công tác cán bộ.
Trước hết, chúng ta không nên quá nặng nề cơ cấu mà cần có cơ chế tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch để lựa chọn được những cán bộ thật sự có năng lực, bản lĩnh và uy tín để bố trí vào các chức vụ quản lý, điều hành.
Tiếp đó, cơ quan có thẩm quyền cần làm tốt công tác tuyển dụng cán bộ, công chức thông qua thi tuyển, dựa vào năng lực, kết quả công tác và đạo đức lối sống, uy tín đối với cán bộ, nhân dân để sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp. Có như vậy, mới lựa chọn, sử dụng được những người có đức, có tài giữ những trọng trách trong hệ thống chính trị, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.