Diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn Hà Nội, hàng chục tiết mục múa rối đã mang đến những nét văn hóa riêng của từng quốc gia. Mỗi tiết mục, vở diễn đều gửi gắm những thông điệp mang ý nghĩa nhân văn về con người, môi trường… được thể hiện bằng ngôn ngữ đa dạng của rối như rối bóng, rối nước, rối que, rối tay, rối mặt nạ…
Đánh giá về thành công của liên hoan, NSND Vương Duy Biên – nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật khẳng định: “Các tiết mục mang đến dự thi đã cho thấy lòng yêu và say mê nghề của các nghệ sĩ quốc tế cũng như của Việt Nam. Điều đó không chỉ thể hiện ở kỹ thuật múa rối ngày càng điêu luyện, hấp dẫn mà còn ở tinh thần, tư tưởng mà các vở diễn mang lại. Nhiều tiết mục có sự sáng tạo, đan xen, phối hợp các loại hình nghệ thuật khác để làm phong phú đa dạng thêm nhưng không làm mờ nhạt bản chất vốn có của rối”.
BTC đã trao 7 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc và các giải cho thành phần sáng tạo xuất sắc (đạo diễn, tạo hình con rối, âm nhạc, sân khấu…) tại Liên hoan. Hai Huy chương Vàng cho vở rối nước “Trê - cóc” (Nhà hát Múa rối Việt Nam); “Âm thanh của nhà tôi” (Đoàn múa rối quốc gia Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào). Ba Huy chương bạc thuộc về “Công chúa tóc mây” (Nhà hát Múa rối Thăng Long), “Gaspard” (Đoàn múa rối Une Tribu Collectif Vương quốc Bỉ), “Cây đàn kỳ diệu” (Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng).