Bản tình ca bất diệt

Bản tình ca bất diệt

(GD&TĐ) - Thấm thoắt thế là đã 7 năm kể từ khi cuốn sách đầu tiên của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc Mãi mãi tuổi hai mươi (NXB Thanh niên, 2005) ra mắt bạn đọc và trở thành một hiện tượng trong đời sống văn học và xuất bản ở Việt Nam. Mới đây, tập sách mang tựa đề Thư tình thời hoa lửa (*) tập hợp những bức thư của anh vừa được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành. 

Thư tình thời hoa lửa tuyển chọn 75 bức thư tiêu biểu mà chàng sinh viên – người lính Nguyễn Văn Thạc viết cho người yêu của mình - nữ sinh Hà Nội Phạm Thị Như Anh từ những ngày hai người bắt đầu cảm mến rồi đi đến yêu thương trao gửi niềm thương nỗi nhớ cho nhau. Cô gái đó giờ đây là Tiến sĩ Phạm Thị Như Anh đang sống và công tác tại Cộng hoà Liên bang Đức. Cho dù công việc bận rộn, nhưng chị vẫn dành nhiều thời gian và tiền bạc đi về phối hợp xuất bản và giới thiệu cuốn sách mới này. 
Nếu như qua tập nhật kí Mãi mãi tuổi hai mươi, người đọc đã được tiếp xúc với những suy nghĩ chân thực, cảm động của người lính Nguyễn Văn Thạc thì đến với tập Thư tình thời hoa lửa, chúng ta lại có dịp được hiểu hơn về anh ở một góc độ khác - đó là chân dung tinh thần của anh dưới ánh sáng của tình yêu.   
Những bức thư ấy được ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đang diễn ra rất ác liệt. Hàng triệu thanh niên Việt Nam đã anh dũng lên đường ra mặt trận. Họ để lại sau lưng thành phố, làng mạc quê hương, người thân và đặc biệt nhất là người yêu của họ. Một trong những người thanh niên đó là chàng sinh viên khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội - Nguyễn Văn Thạc. 
Bìa sách
Bìa sách
Nguyễn Văn Thạc lên đường ra trận với hành trang tinh thần đặc biệt nhất là mối tình đầu với cô bạn học dưới một lớp ở trường phổ thông - Phạm Thị Như Anh. Một tình yêu bắt nguồn từ những rung cảm đầu đời của hai trái tim non trẻ. Trong ngọn gió yêu thương đưa họ đến với nhau có sự rung động trước những vẻ đẹp trong sáng vô ngần của tuổi học trò, có sự cảm phục lẫn nhau trước những thành tích học tập, có những lãng mạn sâu xa của người đam mê văn chương nghệ thuật, và đặc biệt nhất là sự đồng cảm về lí tưởng sống của những người thanh niên Việt Nam thế hệ mới - thế hệ được sinh ra, học tập, trưởng thành từ trường học xã hội chủ nghĩa - trong hoàn cảnh đất nước đang có chiến tranh.
“Như Anh giỏi thật - Thạc không nói về sức hiểu biết, vì quá hiển nhiên rồi, Thạc muốn nói riêng về ngòi bút của Như Anh, tiếng nói độc đáo trong trang sách lạnh lùng... Những điều Như Anh nêu ra, đúng là chẳng có gì mới cả, mà nó vẫn lấp lánh sáng, nó vẫn ầm ì, xôn xao, nó làm cho Thạc không ngủ được...”
“Không, tâm hồn Như Anh rất đẹp. Như Anh đừng tự phủ nhận điều ấy! Thạc rất biết và rất yêu quý tâm hồn ấy. Cái tâm hồn dễ xúc động, mà Aimatốp đã nói, như lá phong nhỏ đứng trên cao nên mỗi cơn gió dù nhẹ cũng đủ làm nó rung động rì rào...”
Từ lúc Nguyễn Văn Thạc lên đường ra trận, tất cả tình yêu của anh dành cho Như Anh đã được dồn vào những cánh thư tình ăm ắp da diết nhớ mong. Những dòng thư viết cho người yêu của Nguyễn Văn Thạc bao giờ cũng thể hiện một dòng cảm xúc dào dạt và bề bộn những suy ngẫm về cuộc sống hiện tại, về tương lai, về lý tưởng cao đẹp, về vị trí của hai người trong cuộc sống đó... 
“Thương Thạc không? Nhớ Thạc không? Thạc chỉ cầu mong sao cho Như Anh vui, thanh thản, chăm học và học giỏi. Đừng lo lắng gì về cuộc sống riêng tư của mình.
Thạc tiếc lắm, vì phải từ bỏ trang sách giữa lúc mình sung sức nhất, dễ tiếp thu nhất và hăng say nhất. Song biết làm thế nào, khi Tổ quốc đang gọi ta, khi miền Nam đang gọi...”
“Như Anh hãy biết quý những ngày ngồi trên ghế đại học, tập trung sức lực mà học cho giỏi. Rằng Như Anh đừng quên, các bạn của Như Anh, lớp người trên của Như Anh đang đổ máu để giữ nước”
Đó là những bức thư tình đặc biệt vì được viết giữa thời lửa đạn. Đó là khát vọng mãnh liệt hướng về sự sống bất diệt của anh, giúp anh vượt qua thử thách khi đang từng ngày đối diện với sự thật của cuộc chiến tranh khốc liệt có sức huỷ diệt mạnh nhất. Những bức thư tình của Nguyễn Văn Thạc có thể xếp vào hàng những bức thư tình hay của thanh niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Là cảm xúc riêng tư nhưng hàm chứa những nét điển hình, phổ quát cho tình yêu và quan niệm sống của thanh niên Việt Nam trong thời hào hùng ấy. 
“Có những ngày hành quân hoặc đi đâu đó, nhiều khi Thạc hay bùi ngùi đứng ngắm hoa. Nếu như Như Anh ở ngay bên Thạc, chỉ khẽ là động vào Như Anh thôi, thì sung sướng biết bao. Thạc sẽ được hái tặng Như Anh bông hoa kia...”
“...Thiên nhiên ơi, cuộc đời ơi, sao Như Anh lại đến với tôi? Sao cuộc đời bình thản của tôi lại được hưởng niềm hạnh phúc kỳ diệu ấy? Sao tôi lại được gặp Như Anh, rồi hôm nào đấy còn được dắt tay Như Anh, còn được dỗ Như Anh, vuốt ve mái tóc thơm mùi hương nhãn tháng ba của người tôi yêu quý... Tất cả vụt đi qua, tất cả vụt đi qua, nhưng tôi còn giữ lại trong tôi, trong chốn sâu kín thầm lặng nhất của trái tim tôi những phút giây hạnh phúc của đời”
Một bức thư tình cũng tựa như một bài tình ca. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi”. Những bức thư tình của Nguyễn Văn Thạc cũng có thể coi là những bản tình ca mà khi bạn đọc nó, tức là bạn đang đọc về chính tình yêu, chính cuộc sống của mình.
Tập thư tình này cũng có thể xem như một cuốn tiểu thuyết. Cuốn tiểu thuyết có hai nhân vật chính đồng thời là hai nhân vật trung tâm là chàng sinh viên - anh bộ đội Nguyễn Văn Thạc và người yêu anh, một nữ sinh Hà Nội - Phạm Thị Như Anh. Bên cạnh họ là những nhân vật: bố mẹ, các em, người thầy giáo, bè bạn ở trường phổ thông và đại học, đồng đội ở chiến trường... Biết bao gương mặt thân yêu, gần gũi luôn thấp thoáng ẩn hiện trong tâm tưởng của đôi trẻ ấy. Không gian của cuốn tiểu thuyết là không gian tâm tưởng, không gian của bát ngát yêu thương. Thời gian là thời gian tâm trạng với đằng đẵng những nhớ mong vừa cách xa vừa vô cùng gần gũi. 
Điều đặc biệt là “cuốn tiểu thuyết” này có xu hướng rất hiện đại. Bởi tất cả những trang sách đều đi sâu vào nội tâm con người, khai thác những bí ẩn về tình yêu trong tâm hồn con người và được trình bày như một “dòng ý thức”. Điều hấp dẫn nhất của dòng ý thức ấy chính là tính chân thực của nguyên mẫu chứ không hề hư cấu.
Nếu nhìn nhận ở khía cạnh trữ tình, cũng có thể coi tập thư tình này như một bài thơ dài, một “trường ca” ca ngợi tình yêu bất tử.
*
*     *
Mỗi người Việt Nam từng trải qua chiến tranh chắc chắn sẽ tìm thấy ở cuốn sách này vô vàn đồng cảm về tình yêu, lẽ sống, lí tưởng sống... Còn những bạn đọc trẻ hơn, sẽ được so sánh, soi chiếu, chiêm nghiệm giữa tình yêu của thế hệ mình và thế hệ trước. Có những điều khác nhau, nhưng chắc chắn tình yêu của mọi thời đại đều mang những vẻ đẹp chung nhất. Đọc thư tình Nguyễn Văn Thạc, vì thế, cũng chính là một cách chúng ta hiểu bản thân mình hơn.
Với những trang nhật kí, những lá thư tình của anh, chúng ta nhận thấy, một lần nữa anh lại mang đến cho người đọc hôm nay biết bao cảm nhận sâu sắc, từ đó có những hành động đẹp, ý nghĩa góp phần tô điểm cuộc đời.
(*) Sách Thư tình thời hoa lửa, tác giả: Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Phạm Thị Như Anh tuyển chọn và giới thiệu, NXBGDVN, Hà Nội, 2011.
TS. Nguyễn Văn Tùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ