Bàn thêm về “Lương y kiêm từ mẫu”

Bàn thêm về “Lương y kiêm từ mẫu”

Trong các ngành nghề, ít ai được so sánh với mẹ hiền như thế. Nếu Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, thì cái nghĩa, cái tình của người thầy thuốc đối với bệnh nhân cũng chẳng kém. Trong kinh nhà Phật có câu: Cứu nhất nhân phúc đẳng hà sa (cứu được một người thì để lại phúc rất lớn).

Bác Hồ cũng đã nói: Người làm thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu...Người ta có câu: “Lương y kiêm từ mẫu” nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền. (Thư gửi hội nghị quân y tháng 3 -1948 - Hồ Chí Minh toàn tập - Tập V - trang 64).

Tháng 2/1955 trong thư “Gửi hội nghị cán bộ Y tế”, Bác lại viết: Cán bộ y tế phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”. Câu nói ấy rất đúng. (HCM toàn tập - Tập VII - trang 167).

Điều đó không những đúng với những người thầy thuốc Việt Nam mà còn đúng với tất cả những người trong ngành Y trên toàn thế giới. Ở nước ta, Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác được nhân dân tôn là thần y và được lập đền thờ như một thần hoàng.

Các bậc danh sĩ như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Sinh Sắc... ngoài sáng tác thơ văn, dạy học, còn hốt thuốc chữa bệnh cho dân nghèo, không lấy tiền. Nhà văn Lỗ Tấn người Trung Quốc (1881 - 1936) năm 13 tuổi cha chết, vì nhà nghèo không có tiền mua thuốc, nên ông ân hận mãi, và ôm hy vọng sẽ theo ngành Y để chữa bệnh cho dân nghèo. Nhà văn Mắc-xim Goóc-ky (1868 - 1936) - người Nga, cũng đã từng đỡ đẻ cho một sản phụ gặp trên đường đi, và đã lấy răng cắn cuống rốn cho đứa trẻ...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều cán bộ Y tế đã hiến máu kịp thời, cứu sống các chiến sĩ nơi chiến trường ác liệt. Nhiều y, bác sĩ phải chăm sóc các bệnh nhân phong, lao, cổ, lậu, HIV/AIDS... trong môi trường lây nhiễm, căng thẳng, nhưng vẫn không một lời kêu ca. Một ca trực đêm của y, bác sĩ hoặc một ca mổ của bác sĩ suốt mấy tiếng đồng hồ cũng chỉ được bồi dưỡng thêm một số tiền ít ỏi, chỉ đủ ăn một tô phở. Nhưng các anh chị vẫn rất vui vẻ, không một lời kêu ca, mè nheo bệnh nhân. Tất cả những việc làm ấy đều lấy y đức làm gốc.

Tuy nhiên, trong đội ngũ thầy thuốc hiện nay vẫn còn một số “con sâu làm rầu nồi canh”, cái đức, cái tâm không trong sáng. Một số y, bác sĩ “chân ngoài dài hơn chân trong”, làm việc ở bệnh viện thì lơ là, qua loa, tắc trách, tìm cách lôi kéo bệnh nhân về phòng khám tư…

Để lấy lại sự tôn vinh của xã hội đối với ngành Y, và làm cho trong sạch bộ máy, các cơ quan chức năng cần rà soát để loại trừ những kẻ mượn danh nghĩa bác sĩ, dược sĩ làm xấu ngành Y, ngành Dược. Có lẽ đã đến lúc ngành Y cần "nói không với tiêu cực nơi bệnh viện" cũng như ngành Giáo dục nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích.

Mặt khác, nhà nước cũng cần xem xét lại một số chế độ chính sách và thang lương đối với ngành y để làm sao có thể nâng cao một bước về đời sống vật chất cho các y, bác sĩ, dược sĩ. Trước đây thang lương của ngành Giáo dục và ngành Y ngang nhau, nhưng ngành Giáo dục đã được điều chỉnh thang lương lên hệ số ưu đãi, còn ngành Y thì vẫn như cũ. Và, bất luận trong hoàn cảnh nào, những người thầy thuốc cũng vẫn ghi nhớ lời dạy của cha ông và lời khuyên của Bác Hồ kính yêu: “Lương y kiêm từ mẫu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ