Bão lũ lắm lúc ập đến bất ngờ, giữa sự sống và cái chết chưa bao giờ mong manh đến thế, song cũng không ngăn nổi hành trình “trồng người” mà các thầy cô đã chọn.
Vượt núi chăm trò nghèo
Chúng tôi đến Nậm Nhừ vào một ngày tháng 5, dưới cái nắng hừng hực, oi ả của miền biên giới Tây Bắc. Từ trung tâm huyện lỵ Nậm Pồ đến xã Nậm Nhừ chỉ gần 20km. Khoảng cách dù không quá xa, song cũng phải mất đứt 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Nhừ. Con đường cấp phối, đá suối còn lổn nhổn khiến cho hầu hết quãng đường đều sóc “lộn ruột”. Tới nơi, ai nấy cũng đều trắng xoá vì bụi. Hàng ngày các thầy cô ở đây vẫn đi qua chính con đường ấy để lên lớp.
Biết chúng tôi đến thăm trường, cô Nguyễn Thị Thuý, Phó Hiệu trưởng nhà trường háo hức đón đợi từ sáng sớm. Cô Thúy (SN 1979) và các đồng nghiệp cùng trang lứa ở đây là những nhà giáo đã gắn bó với mảnh đất này hơn 20 năm qua.
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình, theo diện tình nguyện, cô Thúy xách ba lô rời mảnh đất quê hương Hoà Bình để đến với vùng đất khó Điện Biên này.
“Khi mới lên nhận công tác, trường chỉ có mấy lớp học. Điều kiện học tập thì rất khó khăn, trong khi đó phụ huynh nhận thức về việc học của các con còn hạn chế. Với điều kiện như vậy, bản thân là giáo viên trẻ mới ra trường, tôi xác định sẽ dạy cho các em được con chữ, dạy các em biết tính toán những cái cơ bản nhất”, cô Thuý chia sẻ.
“Từ trường về đến huyện lúc bấy giờ là hơn 200 km. Song toàn đèo dốc với đất, đá lô nhô. Một bên là núi cao bên kia là vực sâu nên cứ xác định đi họp là mất một ngày đi và một ngày về. Mùa nắng không sao chứ đến mùa mưa thì phải đi mất hơn một ngày mới tới nơi. Đến năm 2013 được tách huyện thì đỡ vất vả hơn nhiều”, cô Thúy nhớ lại.
Thời gian trôi đi, đến năm 2006 cô Thuý được giao làm công tác quản lý tại Trường Tiểu học Nà Khoa (nay là Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Nhừ), xã Nà Khoa, huyện Mường Nhé (nay thuộc huyện Nậm Pồ). Đều đặn mỗi tháng cô đều về Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé để họp. Nói là từ xã ra huyện thôi, nhưng có khi thời gian di chuyển cũng chẳng khác nào từ tỉnh về đến Thủ đô.
Cô Lâm Thị Hà (SN 1978) vào trường nhận công tác trước cô Thúy 1 năm (2001). Cô Hà quê ở thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Dù công tác nội tỉnh, song nhiều lúc chính bản thân cô cũng có cảm giác như bản thân đang công tác ở một địa phương khác rất xa xôi, bởi đường xá khó khăn, nhiều lúc có muốn thì cũng chẳng thể về thăm nhà.
“Bám trụ lâu năm trên mảnh đất xa xôi này, lúc đầu cũng nhớ nhà, nhớ quê lắm. Trong trường, cũng có nhiều cô giáo để lại con thơ ở quê nhà, hằng ngày dạy dỗ, đem tình yêu thương chăm sóc những đứa trẻ ở bản nghèo nơi đây. Rồi tình yêu nghề, yêu trò cứ lớn dần làm nỗi nhớ quê cũng vơi dần theo năm tháng. Lâu dần, mảnh đất này đã thành quê hương thứ hai lúc nào không biết”, cô Hà ngậm ngùi.
Trận lũ kinh hoàng tháng 8/2020 đi qua Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Nhừ. |
Đánh đổi tuổi xuân cho trò
Nậm Nhừ có 100% người dân là đồng bào Mông. Bởi thế, với những người từ nơi khác đến như cô Thúy, cô Hà... bất đồng ngôn ngữ là vấn đề lớn. Những ngày đầu, khi cô – trò không có tiếng nói chung, hỏi gì thì học sinh cũng đều chỉ nói “chi pâu” (tiếng Mông nghĩa là “không biết”).
Thế là các cô lại cùng nhau “hiến kế” để tìm giải pháp sao cho hiệu quả. Bàn đi, tính lại, rồi cuối cùng là dựng nhà tạm ngay ven suối, gần khuôn viên nhà trường và bà con để tiện cho việc giao tiếp. Mỗi người đều tự trang bị cho mình tiếng địa phương để “giắt lưng”. Sáng lên lớp dạy chữ, chiều tối lại đi thăm từng nhà, vừa là để làm quen, đồng thời là vận động học sinh đến lớp.
“Ngày ấy lương có 300 nghìn đồng một tháng nên những ngày nghỉ các cô phải đi đập đá làm thuê cho công trình thuỷ lợi để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Thức ăn hàng ngày thì tự cấp, tự túc. Các cô tự nuôi lấy con gà, con vịt, trồng thêm ít rau. Thi thoảng có người đi rừng về thì lại mang cho ít măng, đôi khi thì vài con cá suối”, cô Hà chia sẻ thêm.
Gần 20 năm gắn bó ở mảnh đất biên giới, những thế hệ nhà giáo như cô Thúy, cô Hà những tưởng khó khăn như thế là đã đủ. Song, mọi thứ còn khắc nghiệt hơn khiến có thời điểm chính các cô cũng không khỏi nản lòng.
Gần 3 năm trôi qua, song cho đến tận ngày hôm nay thì các cô vẫn chưa thể quên được trận lũ lịch sử diễn ra vào năm 2020, nó đã cuốn trôi đi hết bao nhiêu tâm huyết, công sức mà thầy cô vun đắp.
Cô Thuý kể: “Khi đó khoảng 5 giờ ngày 17/8, lũ bất ngờ đổ về. Nước dâng lên rất nhanh, thầy cô giáo không kịp chuyển đồ đạc, chỉ kịp chạy thoát thân. Ở đây hơn 20 năm rồi nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận lũ nào kinh hoàng đến thế”.
Tất cả xảy ra rất nhanh, chẳng ai kịp trở tay. May mắn là thời điểm này học sinh đang nghỉ hè nên không sao. Cơn lũ đã cuốn theo 2 ngôi nhà của 2 thầy cô giáo và 1 phòng nội trú của học sinh. Khu nhà nội trú của học sinh cũng hư hại, 45 chiếc giường tầng của 90 học sinh bị hư hỏng hoàn toàn; các lớp học ngập sâu trong nước.
“Sau trận lũ, tất cả giấy tờ sổ sách của cả cô và trò, đồ dùng sinh hoạt bị cuốn trôi. Trường lớp, bàn ghế, đồ dùng dạy học chẳng còn nguyên vẹn. Lúc đó ai cũng bần thần. Nhưng nghĩ về ngày khai giảng năm học mới, nghĩ về các trò nhỏ thân yêu, các thầy cô giáo lại bảo nhau sốc lại tinh thần, tự an ủi nhau rằng còn người là còn của”, cô Thuý rơm rớm nước mắt.
Hơn 20 năm với biết bao gian khó, thăng trầm, song các thầy cô ở Nậm Nhừ vẫn một lòng quyết tâm gắn bó để xây dựng mảnh đất này, dạy bảo cho những học trò nơi đây biết cái chữ, để các em có tương lai tươi sáng hơn.
Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Nhừ đã đổi thay nhiều. Ngôi trường mới khang trang với 20 lớp học cùng dãy nhà hiệu bộ và khu bán trú chắc chắn, kiên cố hơn xưa. Những khuôn mặt rạng rỡ của những đứa trẻ thơ bên trang sách tưởng chừng như đơn giản, song nó lại là biết bao nỗ lực, tâm huyết của các thế hệ nhà giáo nơi đây. Họ đã “bán” cả thanh xuân, mồ hôi, nước mắt và đôi khi còn là cả tính mạng của mình chỉ để đổi lấy những tiếng đánh vần “ê”, “a”... “tròn vành, rõ chữ” của đám trẻ vùng cao này.