Bàn tay sạch, sáng tương lai

GD&TĐ - Có những vấn đề tưởng như bình thường, ai cũng biết nhưng việc thực hành lại không được như suy nghĩ. Lười rửa tay, rửa tay không đúng là nguyên nhân gây ra bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. Bàn tay bẩn còn là cầu nối đem bệnh (cúm, tay chân miệng, SARS) từ người này sang người khác, từ nhân viên y tế sang người bệnh.  

Bàn tay sạch, sáng tương lai

Bàn tay - ổ vi khuẩn

Theo ước lượng của các nhà khoa học, bàn tay mỗi người chứa từ 10.000 đến 100.000 mầm bệnh. Những tác nhân gây bệnh này đặc biệt thích trú ngụ ở dưới khe tay, kẽ móng tay. Mỗi mầm bệnh có thời gian tồn tại khác nhau, từ vài phút đến vài giờ. Đó là các virus gây bệnh cảm cúm, rối loạn tiêu hóa, bệnh herpes, bệnh ghẻ lở và một số bệnh gây hội chứng ngộ độc thực phẩm.

Là “ổ” chứa vi trùng, virus gây bệnh nên mỗi khi bắt tay là một lần truyền bệnh. Theo TS, bác sĩ Đinh Vạn Trung, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện 108), sau mỗi lần bắt tay, cầm nắm khóa cửa, một người có thể truyền bệnh cho 6 người sau đó.

Bàn tay bẩn không chỉ được phát hiện ở người dân, trẻ nhỏ, giáo viên mà ngay nhân viên y tế, những người làm việc trong môi trường luôn đòi hỏi sự sạch sẽ cũng chứa không ít vi khuẩn có hại. Bác sĩ Trung cho biết: Kiểm tra ngẫu nhiên nhân viên y tế (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho thấy, trên 1 cm2 bàn tay của hộ lý có tới 481.273 vi khuẩn, tay bác sĩ chứa trên 275.000 vi khuẩn và bàn tay điều dưỡng “sạch nhất” trong bệnh viện chỉ với 126.857 vi khuẩn.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bàn tay của bác sĩ sau khi rửa với xà phòng hoặc các chất tẩy rửa vẫn còn xấp xỉ 276.000 vi khuẩn. Khi chưa rửa tay với chất tẩy rửa thì con số trên lên tới vài triệu con vi khuẩn.

Các nghiên cứu cho thấy, da bàn tay chiếm 2% diện tích cơ thể. Mỗi cm2 da là nơi sinh sống của khoảng 12 triệu vi khuẩn. Như vậy, mỗi tế bào của cơ thể chúng ta phải “cõng” 10 vị khách không mời. Cũng theo bác sĩ Trung, quần thể vi khuẩn ổn định nhất ở mũi, tai và đa dạng nhất ở khoeo chân, cẳng tay.

Đối với bàn tay, tay nữ giới dù chăm chỉ rửa hơn cánh mày râu nhưng lượng vi khuẩn lại đông về số lượng, nhiều về chủng loại. Nguyên nhân do độ axit ở tay đàn ông nhiều hơn nên tự tiêu diệt được một số loại vi khuẩn. Mặt khác, do tuyến mồ hôi của hai phái khác nhau nên thu hút sự quan tâm của vi khuẩn khác nhau.

Rửa tay vì sự sống

Một hành động đơn giản là rửa tay có thể giảm 35% nguy cơ lây truyền bệnh tiêu chảy và phòng chống được nhiều bệnh truyền nhiễm khác như sởi, viêm đường hô hấp, cúm các loại. Đây là lý do từ năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi người dân trên toàn cầu hãy vệ sinh tay vào các thời điểm quan trọng trong ngày (trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chăm trẻ, chế biến đồ ăn cho trẻ, trước và sau khi tiếp xúc với người bệnh…).

Vệ sinh tay để bảo vệ bản thân và hạn chế lây truyền bệnh cho cộng đồng. Điều này ai cũng biết nhưng việc thực hành lại là một vấn đề đáng bàn. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tỷ lệ rửa tay với xà phòng của người dân, kể cả nhân viên y tế còn thấp. Đây là lý do khiến bệnh truyền nhiễm có điều kiện bùng phát, lây lan và khó chấm dứt. Bàn tay bẩn đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ và người già bởi hệ miễn dịch nhóm người này yếu nên dễ bị vi khuẩn tấn công.

Đồng tình với quan điểm trên, bác sĩ Trung cho rằng, một việc làm bình thường nhưng ít người thực hiện đã vô tình làm hơn 2 triệu người trên thế giới mắc các bệnh liên quan làm 90.000 người tử vong, hơn cả cuộc chiến.

Đó là nhiễm khuẩn bệnh viện, một nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh. Do vậy, giữ sạch đôi bàn tay là việc làm đơn giản, thiết thực nhất để mỗi người có cuộc sống tốt hơn. Theo đó, bàn tay sạch là bàn tay an toàn.

“Để bảo vệ mình, người bệnh có quyền yêu cầu nhân viên y tế vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi chăm sóc mình” - TS, bác sĩ Đinh Vạn Trung khẳng định.

Còn với người dân, giữ bàn tay sạch để hạn chế khả năng lây bệnh cho mình, cho mọi người xung quanh, đặc biệt là cho trẻ em. Bên cạnh đó, việc người lớn thường xuyên rửa tay với dung dịch sát khuẩn cũng là cách để giáo dục ý thức, thúc đẩy hành vi tốt cho trẻ sau này.

Nghiên cứu của Bộ Y tế đã chứng minh nếu người chăm sóc trẻ thường xuyên rửa tay với xà phòng có thể giảm từ 1 - 10% tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi. Học vệ sinh tay là nội quy đầu tiên của một số bệnh viện đối với học viên. Nhiều bệnh viện từ chối không nhận đào tạo khi học viên không tuân thủ yêu cầu vệ sinh tay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.