Tuy nhiên, khi người dân chưa kịp mừng thì căn bệnh gắn với học sinh là tay chân miệng bắt đầu tăng tốc. Hà Nội, Đắk Lắk, TPHCM và một số địa phương khác đều liên tục ghi nhận các ca mắc mới.
Đuổi theo sốt xuất huyết
Tay chân miệng là bệnh có quanh năm nhưng thường bùng phát vào dịp khai trường, khi học sinh bắt đầu trở lại lớp học. Do bệnh lây truyền qua tiếp xúc nên chỉ cần một trẻ mắc bệnh sẽ có khả năng truyền bệnh cho các bạn còn lại.
Thống kê của Sở Y tế Đắk Lắk, tay chân miệng hiện có mặt ở 15 huyện, thị xã, thành phố với gần 1,4 ngàn ca. So với cùng kỳ năm trước, số ca mắc tăng trên 500 ca. Nguyên nhân do thời tiết diễn biến bất thường nên bệnh bùng phát mạnh. Tại Hà Nội, số liệu của Sở Y tế Hà Nội, tích lũy từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 450 ca, trong đó từ ngày 25/9 - 1/10 có 80 trường hợp mắc, tuần tiếp theo ghi nhận thêm 31 ca. TPHCM cũng có trên 3,5 ngàn ca mắc. Từ sau ngày khai giảng, số trẻ nhập viện điều trị bệnh ở mức cao (khoảng 100 em/ngày). Dù số mắc tương đương năm trước nhưng ngành y tế vẫn khuyến cáo người dân phải cẩn trọng bởi bệnh dễ lây lan, nhất là trong nhóm trẻ, trường mẫu giáo.
Với số ca mắc như hiện nay, tích lũy từ đầu năm, cả nước có gần 70.000 ca tại 63 tỉnh, thành, trong đó có trên 30.000 ca phải vào viện điều trị. Bệnh nhân mắc chủ yếu do virus E71 nhưng vẫn có bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, phải thở máy. Nguyên nhân do cha mẹ chủ quan, tự chữa bệnh cho con đến khi bệnh nặng mới vào viện.
Bùng phát nếu phòng dịch kém
Tay chân miệng, sốt xuất huyết thay phiên nhau bùng phát đe dọa sức khỏe trẻ em nói riêng và người dân nói chung cho thấy công tác phòng dịch chưa hiệu quả. Với sốt xuất huyết, con người mắc do vật truyền bệnh trung gian nên có thể chủ động phòng tránh. Còn tay chân miệng, lây qua tiếp xúc trực tiếp nên chỉ cần một bé mắc nếu lơ là không phát hiện sớm để điều trị và cách ly thì nguy cơ biến cả nhóm trẻ hay lớp học thành ổ dịch rất dễ xảy ra.
Để hạn chế khả năng lây lan, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo cơ quan liên quan và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, ngoài việc phun thuốc khử trùng nơi có ổ dịch, ngành y tế còn hướng dẫn đồng bào, cơ sở nuôi dạy trẻ về nguy cơ lây bệnh, thường xuyên vệ sinh nhà cửa, lớp học bằng dung dịch khử trùng, thường xuyên rửa tay với xà phòng trước khi chăm trẻ, sau khi thực hiện vệ sinh cho trẻ… Tương tự, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường học, đặc biệt là nhóm trẻ, trường mẫu giáo tăng cường công tác phòng chống tay chân miệng. Không cho trẻ dùng chung khăn mặt, gối. Thực hiện việc khử trùng khăn mặt hàng ngày. Cho trẻ ăn chín, uống sôi, không dùng chung cốc, thìa, bát khi ăn.
Phòng nguy cơ dịch chồng dịch, Sở Y tế Hà Nội đã có kế hoạch phòng dịch. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, hiện các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện đã kiểm tra lại số máy móc, hóa chất và tiến hành khử trùng tại các trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình. Trung tâm cũng yêu cầu lồng ghép việc vận động người dân thực hiện phòng chống sốt xuất huyết với tay chân miệng. Khuyến khích cả người lớn, trẻ em và thầy cô thường xuyên rửa tay với xà phòng, rửa nhiều lần trong ngày. Giáo viên, phụ huynh hàng ngày theo dõi sức khỏe của trẻ. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, phải cách ly với trẻ khác trong lớp hoặc trẻ cùng nhà và đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị.
- Đối tượng mắc bệnh tay chân miệng chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.
- Đây là bệnh ngoài da, lây chủ yếu qua tiếp xúc với nước bọt, dịch mũi họng, dịch từ mụn chảy ra và qua đường tiêu hóa (phân) nên lớp học dễ thành ổ dịch khi có trẻ mắc bệnh.
- Tay chân miệng là bệnh dễ mắc nhưng cũng dễ phòng tránh. Do vậy, cần vệ sinh đồ dùng, đồ chơi, dụng cụ học tập, sàn nhà, tay nắm cửa hàng ngày. Ngoài ra, giáo viên, nhân viên bán trú và trẻ cùng thực hiện vệ sinh tay nhiều lần trong ngày, đặc biệt là thời điểm sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn/chăm trẻ…