Đây là lần đầu tiên 4 huyện thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá của Hà Giang cùng tham gia tổ chức lễ hội nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa và sức sống mãnh liệt của vùng đất địa đầu Tổ quốc.
Sắc màu trên Cao nguyên đá
Từ những thành công của các lễ hội trước, năm nay Hà Giang tổ chức Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần IV với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Thông qua lễ hội năm nay, Hà Giang cũng sẽ rà soát lại quá trình 4 năm xây dựng thương hiệu Du lịch Cao nguyên đá, xem xét mặt mạnh và những điểm còn hạn chế thông qua những việc làm cụ thể.
Nhiều năm qua, cây tam giác mạch đã trở nên quen thuộc với người dân vùng Cao nguyên đá. Không chỉ là một trong những cây lương thực quan trọng khi vào mùa giáp hạt, tam giác mạch đã và đang trở thành cây trồng thế mạnh trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Hà Giang nhờ vẻ đẹp tinh khôi của những cánh hoa (khi mới nở có màu trắng sau đó chuyển sang phớt hồng, hồng đậm hay hồng tím).
Với quy mô của lễ hội năm nay, du khách có thể chiêm ngưỡng, chụp ảnh tam giác mạch ở một số điểm như: Thạch Sơn Thần ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ); Làng Văn hóa Lũng Cẩm ở xã Sủng Là (Đồng Văn); chân đèo Mã Pì Lèng huyện Mèo Vạc; khu vực rừng thông và xã Na Khê của huyện Yên Minh... Tại các điểm dừng chân, các vùng trồng hoa cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động bổ trợ, phục vụ du khách tham quan.
Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động như: Triển lãm ảnh Công viên Địa chất; Hội thi Hoa Tam giác mạch; Ẩm thực bít tết thịt bò trên Cao nguyên đá. Tại khu di tích Dinh thự nhà Vương sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ tái hiện cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của gia tộc này: Nấu các món ăn truyền thống, nấu rượu ngô, rượu tam giác mạch… Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm các trò chơi dân gian đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông… hứa hẹn sẽ mang đến một mùa lễ hội đầy ý nghĩa.
|
Sẵn sàng cho những ngày hội
2018 là năm đầu tiên 4 huyện thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc) sẽ cùng phối hợp tổ chức Lễ hội Hoa Tam giác mạch. Hiện, tổng diện tích gieo trồng tam giác mạch của 4 huyện là 401,3 ha. Trong đó, diện tích trồng để phục vụ lễ hội là 154,74 ha. Các huyện đã chủ động gieo trồng làm nhiều đợt. Đợt 1 vào cuối tháng 9, đợt 2 vào đầu tháng 10 và đợt 3 vào cuối tháng 10. Đến thời điểm hiện tại, các diện tích hoa đã gieo trồng sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Một số điểm hoa đã nở đẹp đảm bảo phục vụ lễ hội.
Sau khi thu hoạch ngô vụ hè - thu, người dân bắt đầu gieo hạt tam giác mạch. Đầu tháng 12, người dân sẽ thu hoạch hạt. Thân tam giác mạch khi còn non có thể luộc hoặc nấu canh như các loại rau; hạt tam giác mạch có thể xay thành bột để làm lương thực hoặc nấu rượu với hương vị riêng biệt.
Để Lễ hội Hoa Tam giác mạch diễn ra theo đúng kế hoạch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều văn bản, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị để triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh.
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, công tác tổ chức lễ hội được chuẩn bị chu đáo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; Công tác chuẩn bị, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự đã được Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo. Ngoài ra, các nhà hàng, nhà nghỉ, điểm kinh doanh ăn uống cũng được các ngành liên quan tăng cường kiểm tra; khuyến cáo không tự ý nâng giá hoặc có hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, chèn ép khách trong dịp trước, trong và sau lễ hội.
“Thông qua lễ hội, Hà Giang mong muốn quảng bá đến khách du lịch trong và ngoài nước về những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc, những danh lam, thắng cảnh của địa phương. Đồng thời kêu gọi, thu hút đầu tư, từng bước phát triển du lịch Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” - bà Tình nhấn mạnh.