Theo vị chuyên gia Mỹ, vụ tiêm kích tàng hình F-22 bắn rơi khinh khí cầu hồi tuần trước là lần đầu tiên dòng chiến đấu cơ này đánh chặn thành công mục tiêu trong thực tế.
Đây là dòng chiến đấu cơ được Mỹ đánh giá là mạnh nhất thế giới.
Vậy khả năng của F-22 thế nào mà được Mỹ ca ngợi? Có chính xác không khi gọi tiêm kích tàng hình này là chiến đấu cơ tốt nhất thế giới? Thông tấn Nga đã có câu trả lời cho những câu hỏi này.
F-22 là gì? Chiến đấu cơ tàng hình F-22 là thành phần quan trọng của lực lượng đặc biệt thuộc Không quân Mỹ (USAF). Đây là dòng máy bay được thiết kế để chiếm ưu thế trên không giúp tiêu diệt mối đe dọa với Không quân, Lục quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ.
Dòng máy bay tàng hình hai động cơ có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết này có hệ thống điện tử hàng không tích hợp, có khả năng cơ động cao. USAF chính thức đưa F-22 vào trang bị tháng 12/2005.
Tốc độ của F-22? Tiêm kích F-22 có khả năng tạo ra cái gọi là siêu hành trình giúp chúng có thể phá tường âm thanh mà không cần bật chế độ đốt sau. Tốc độ tối đa F-22 đạt được vào khoảng Mach 2.
Những quốc gia nào sử dụng F-22? Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới vận hành dòng tiêm kích này. F-22 không thể xuất khẩu theo đạo luật liên bang của Mỹ nhằm bảo vệ công nghệ tàng hình cũng như một số tính năng đặc biệt tại thời điểm chúng ra đời.
Tiêm kích F-22 đắt đỏ thế nào? Thông tin từ USAF, giá thành mỗi chiếc F-22 trong khoảng từ 206 đến 216 triệu USD chưa bao gồm vũ khí và phụ tùng thay thế.
F-22 có phải là chiến đấu cơ mạnh nhất thế giới? Mặc dù F-22 được Không quân Mỹ quảng cáo là chiến đấu cơ mạnh nhất thế giới, nhưng tiêm kích đa năng Su-35 của Nga dường như chiếm ưu thế hơn về tốc độ, khả năng cơ động, tầm hoạt động tối đa.
Không giống như tốc độ Mach 2 của F-22, tốc độ tối đa của Su-35 gần đạt Mach 3. Dù Su-35 được phát triển với vai trò chiếm ưu thế trên không nhưng máy bay Nga đã chứng minh là chiến đấu cơ đa năng thực sự - đây là điều gần như không thể với F-22.
Su-35 có thể mang tất cả vũ khí hiện có của Không quân Nga, trong khi đó F-22 chỉ có thể làm nhiệm vụ không chiến. Muốn đánh đất hoặc tấn công biển đòi hỏi lực lượng USAF phải nâng cấp rất tốn kém và mất nhiều thời gian trong khi hiệu quả vẫn chưa được khẳng định.
Nguyên nhân USAF loại bỏ chương trình mua sắm F-22? Vào những năm 2000, mục tiêu mua sắm của Không quân Mỹ với F-22 đã bị nghi ngờ do chi phí tăng cao và độ tin cậy, tính khả dụng cũng như không có đối thủ phù hợp cho nhiệm vụ không chiến.
Năm 2006, Tổng kiểm soát viên Mỹ lúc bấy giờ David Walker nhận thấy rằng "Bộ Quốc phòng đã không chứng minh được sự cần thiết" đầu tư nhiều hơn nữa vào F-22, cộng với sự phản đối của chính quyền Tổng thống Bush.
Hai năm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates tuyên bố rằng F-22 không phù hợp trong các cuộc xung đột thời hậu Chiến tranh Lạnh, và vào năm 2009, ông yêu cầu chấm dứt sản xuất F-22. Khi đó nhà sản xuất mới hoàn thành được 187 chiếc.
Đến năm 2016, Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện đã trích dẫn những tiến bộ trong hệ thống tác chiến trên không của Nga và Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Không quân nước này tiến hành nghiên cứu và đánh giá chi phí để tiếp tục sản xuất F-22.
Nhưng một năm sau, USAF đã đệ trình báo cáo của họ lên Quốc hội Mỹ nói rằng họ không có kế hoạch khởi động lại dây chuyền sản xuất F-22 do những thách thức về kinh tế và hậu cần trong khi hiệu quả vẫn bị nghi ngờ.