Mục tiêu bị F-22 đánh chặn là khinh khí cầu được cho là loại dùng cho mục đích do thám của Trung Quốc ở ngoài khơi Myrtle Beach, Nam Carolina.
"Khí cầu do Trung Quốc sử dụng nhằm do thám các địa điểm chiến lược ở lục địa Mỹ đã bị bắn hạ trên lãnh hải Mỹ", tờ Drive dẫn tuyên bố của Lầu Năm Góc.
Để thực hiện thành công đòn đánh chặn, hai chiếc F-22 đã cất cánh từ căn cứ không quân Langley ở Virginia hôm 4/2.
Theo Drive, đây là loại chiến đấu cơ tàng hình hiện đại nhất của Mỹ và hàng đầu thế giới, có thể đối phó nhiều mục tiêu. Máy bay đạt vận tốc tối đa khoảng Mach 2 và trần bay gần 20km.
Vũ khí được tiêm kích tàng hình Mỹ sử dụng để đánh chặn là tên lửa AIM-9X Sidewinder, loại vũ khí công nghệ cao có thể khóa mục tiêu chỉ bằng cách lần theo hướng mắt nhìn của phi công.
Dòng tên lửa Sidewinder có thể đạt vận tối đa hơn 3.000 km/h và có giá thành lên tới 380.000 USD cho mỗi quả.
Báo Mỹ mô tả, quả tên lửa do chiếc F-22 phóng ra đã cắt đứt phần trên của khí cầu với cụm thiết bị dưới, bao gồm camera, thiết bị cảm biến cùng radar vận hành bằng năng lượng mặt trời.
Các quan chức quốc phòng Mỹ ước tính khí cầu này lớn bằng ba chiếc xe bus gộp lại, cao khoảng 36,5m.
Điều khá bất ngờ là ngay trước khi F-22 được báo Mỹ ca ngợi vì vụ đánh chặn khinh khí cầu, Thiếu tướng James Peccia, phụ trách ngân sách của Không quân Mỹ đã cho biết, lực lượng này đang có kế hoạch cho nghỉ hưu toàn bộ phi đội F-22 hiện có do già cỗi và không thực sự mạnh.
Bước đầu sẽ có 33 máy bay F-22 Raptor được chuyển đến nghĩa địa máy bay tại căn cứ không quân Davis-Monthan ở Tucson, bang Arizona.
Giới quân sự Mỹ thừa nhận, dù được ca ngợi là vua bầu trời nhưng gần 2 thập kỷ hoạt động, F-22 chỉ mới chứng minh được sức mạnh trong cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức khủng bố IS tại Iraq và Syria. Sau đó, mẫu tiêm kích này bị nghi ngờ gặp vấn đề về khả năng cảm biến vì một số sự cố trong quá trình hoạt động.
Hồi giữa năm 2021, Lầu Năm Góc cũng đã tuyên bố sẽ loại bỏ dần các máy bay F-22 khỏi kho vũ khí của nước này. Một số quan chức cấp cao của lực lượng không quân Mỹ cho rằng, trong tương lai 10 năm tới, những máy bay chiến đấu F-22 Raptor có tuổi thọ gần 30 năm sẽ không còn phù hợp cho các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không trước những đối thủ thế hệ mới.
"Tương lai của lực lượng Không quân sẽ không có sự tham gia của tiêm kích F-22 Raptor", Đại tướng Charles Q. Brown, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ từng tuyên bố. Tuy nhiên, Mỹ vẫn cần phải có máy bay chiến đấu thế hệ 5 để đối phó với những đối thủ được cho là hùng mạnh hiện nay.
Tiêm kích F-22 đánh chặn khinh khí cầu. |
Do vậy, thời gian chính xác để F-22 nghỉ hưu sẽ phụ thuộc vào tốc độ sản xuất các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của không quân Mỹ. Hiện Washington đã đầu tư 9 tỷ USD cho Chương trình NGAD nhằm phát triển loại chiến đấu cơ thay thế F-22 trong thời gian đến 2025.