Bàn rồi để đấy

GD&TĐ - Việc người dân xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) lần thứ hai trong năm, đến thời điểm này, lập chốt chặn xe rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn từ hôm 1/7, một lần nữa nhấn mạnh vấn nạn rác của Hà Nội. Nếu cứ ngập ngừng mãi với những dự án xử lý rác và chính người dân không có ý thức trong việc xả rác, bảo vệ môi trường, thì Thủ đô còn tiếp tục đối mặt với các cuộc khủng hoảng rác.

Người dân lập chốt chặn xe rác.
Người dân lập chốt chặn xe rác.

Lần đầu tiên, giáp Tết vừa qua, Hà Nội đã ngập trong rác khi mùa tiêu dùng vào cao điểm. Lần này là những ngày hè oi bức, các bệnh truyền nhiễm rất dễ phát sinh lây lan.

Chủ trương di dời người dân trong vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m từ bãi rác đã có từ lâu, nhưng các quy định cũng như việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chuyển đổi nghề có nhiều vướng mắc.

Các cuộc đối thoại đang diễn ra giữa người dân với chính quyền cần được tiến hành mạnh mẽ, dứt điểm, hợp lý để bảo đảm quyền lợi kinh tế - xã hội cho người dân địa phương cũng như góp phần xử lý vấn đề rác thải của thành phố.

Nhưng sự việc nói trên chỉ là một phần trong những việc cần làm, và không chỉ ở Hà Nội. Mỗi ngày Hà Nội thải ra 6.000 tấn rác sinh hoạt – trong đó có 60 tấn chất thải nhựa, TPHCM mỗi ngày 7.000 tấn và con số này tăng khoảng 15% mỗi năm.

Tại Hà Nội khoảng 30% rác chưa thể thu gom xử lý, số thu gom được thì xử lý chủ yếu bằng cách chôn lấp, vừa lãng phí tài nguyên đất và nguồn năng lượng có thể thu được từ phương pháp đốt hiện đại, vừa có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao do nước rác thấm vào đất, vào nước ngầm. 80 - 90% các bãi tập trung rác ở Hà Nội không hợp vệ sinh và dự báo đến 2020 Hà Nội sẽ không còn chỗ chôn lấp rác.

Các dự án xử lý rác hiện đại được bàn tới từ cả hai chục năm nay vẫn gần như không có bước tiến. Dự án xử lý rác bằng các công nghệ hiện đại có đắt đỏ đến mấy thì cũng phải nghĩ cách để kêu gọi đầu tư, tiêu chuẩn cho các công nghệ xử lý khó đến mấy cũng phải đưa ra được, nếu không giá phải trả về ô nhiễm sẽ ngày càng lớn.

Việc không phân loại rác đầu nguồn khiến các dự án xử lý không hiệu quả.

Giai đoạn 2006 - 2009 đã có dự án thử nghiệm 3R của Nhật Bản vận động người dân các quận trung tâm Hà Nội phân loại rác, nhưng hết dự án thì thói quen cũng dần trở lại gần như cũ, rác hữu cơ vô cơ bỏ lẫn lộn.

Năm 2015, nghị định về quản lý chất thải rắn và phế liệu được ban hành, trong đó quy định rõ về việc phân loại, thu gom rác, vận chuyển rác, thùng đựng phải thế nào, nắp đậy ra sao. Nhưng quy định đã có mà chẳng ai làm, người dân vẫn bỏ rác lẫn lộn vô tư, công nhân thu gom cũng thu lẫn, thùng rác lộ thiên, xe rác lộ thiên chạy trong thành phố.

TPHCM từ 1/6/2019 yêu cầu người dân sẽ phải chịu phạt nếu không phân loại rác tại nguồn, chỉ mong các quy định đã có được thực hiện nghiêm chỉnh.

Điều quan trọng nhất chính là ý thức của mỗi người trong tiêu dùng hàng ngày. Nếu ai cũng giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi, hạn chế thải rác, nhất là đồ nhựa dùng một lần, phân loại rác hợp lý, thì đường phố Hà Nội mới có thể luôn sạch sẽ văn minh và môi trường mới nhẹ đi gánh nặng ô nhiễm do chính con người tạo nên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.