Lối vào bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) bị chặn: Không để rơi vào thế bị động

GD&TĐ - Sau nhiều nỗ lực thương thảo nhưng chưa đạt kết quả, lối vào Khu Liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn) vẫn tiếp tục bị chặn. Để không rơi vào thế bị động, các lực lượng chức năng đã có nhiều động thái tạm xử lý lượng rác trong thành phố.

Đường vào Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn vẫn bị người dân lập chốt chặn lại
Đường vào Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn vẫn bị người dân lập chốt chặn lại

Lối vào bãi rác...khó thông

Hiện tại, người dân xung quanh Khu liên hợp xử lý rác thải (KLHXLRT) Nam Sơn vẫn tiếp tục xuống đường chặn lối đi khiến các xe chở rác không thể vào được bên trong. Mặc dù, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực vận động, đền bù nhưng do chưa đáp ứng được hết yêu cầu của người dân nên vấn đề rác thải thành phố vẫn đang rất “nóng”.

Ông Vũ Tiến Lực - Bí thư Chi bộ thôn Xuân Thịnh (xã Nam Sơn) cho hay, do việc giải quyết bồi thường chậm nên người dân tiếp tục chặn không cho xe rác vào bãi rác Nam Sơn. Theo ông Lực, hồi tháng 1/2019, khi người dân chặn xe rác đòi bồi thường và di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng bán kính 0 - 500m, chính quyền thành phố, huyện hứa trong quý II/2019 sẽ giải quyết.

Chiều 2/7, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn đã bắt đầu chi trả và đền bù phần đất ruộng cho một số thôn tại xã Nam Sơn. Tổng số hộ được nhận tiền chi trả đợt này là 186 hộ, với số tiền 182,3 tỷ đồng nhưng nhiều người vẫn cho rằng cách đền bù chưa thỏa đáng.

Ông Hoàng Đức Hòa - người dân xã Nam Sơn cho biết thêm, mức bồi thường 860.000 đồng/m2 đất thổ cư, hơn 78.000 đồng/m2 đất liền kề là quá thấp, không thể giúp cho bà con ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất. “Với số tiền đền bù ấy, cả đất nhà tôi không mua nổi miếng đất ở khu tái định cư, trong khi khu tái định cư chỉ cách đây có 500m. Bây giờ, ở thì thối, đi không được”, ông Hòa chia sẻ.

Hà Nội...ngập trong rác

Đầu tháng 7, người dân ở cạnh bãi rác Nam Sơn gồm 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) lập chốt, gác chắn ngày đêm ngăn không cho xe chở rác ra vào khu vực này. Sự việc đã diễn ra gần 3 ngày nhưng đã khiến nội thành Hà Nội ngập rác thải. Đây đã là lần thứ 2 kể từ đầu năm 2019, người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn.

Thậm chí, do rác không được chuyển đi nên một số chung cư tại Hà Nội đã thông báo ngừng thu gom rác thải sinh hoạt. Người dân tại các khu chung cư trong nội thành Hà Nội không khỏi lo lắng khi nhận thông báo tạm ngừng phục vụ thu gom rác cho đến khi có kế hoạch thu gom rác trở lại. Chị Kim Thu - Khu đô thị Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi nhận được thông báo không đưa rác xuống khu tập kết. Tôi không biết tình trạng này sẽ kéo dài tới bao giờ?”.

Trong khi đó, trên đường phố không khó để thấy những xe thu gom rác xếp thành hàng dài do không được chở đi. Những chiếc xe đó vô hình trung trở thành bãi rác lộ thiên giữa lòng thành phố. Về tình trạng trên, lãnh đạo Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội URENCO chia sẻ: “Nếu người dân tiếp tục chặn xe rác trong nhiều ngày tới, nguy cơ rác thải ùn ứ tại nội thành là rất cao. Chúng tôi đang huy động tối đa nhân sự để bảo đảm vệ sinh tại các quận nội thành”.

Núi rác thải vẫn bất động trong lòng phố
Núi rác thải vẫn bất động trong lòng phố 

Chủ động tìm nguồn xử lý rác thải

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, sau 3 ngày không kịp xử lý, đến ngày 5/7, rác thải sinh hoạt trên đường phố Hà Nội đã cơ bản được chuyển đi. Lượng rác trên được URENCO đưa đến tạm trữ tại hai khu xử lý rác ở Cầu Diễn và Lâm Du. Ông Vũ Cường - Phó Tổng Giám đốc URENCO cho biết, hiện các quận, huyện đã có kế hoạch chủ động xử lý nguồn rác thải sinh hoạt để không xảy ra ùn ứ.

Ở một diễn biến khác, sáng 5/7, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho biết, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ các nhà máy đốt rác công nghệ hiện đại, tiên tiến và tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt. Thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy đốt rác công nghệ cao, các khu xử lý chất thải tập trung. Bên cạnh đó, đề xuất lộ trình ưu tiên áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn hiện đại, tiên tiến nhằm giảm thiểu tỷ lệ chất thải phải chôn lấp và tái tạo năng lượng, tận thu các sản phẩm từ rác.

Vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tình trạng rác thải trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp, tồn tại nhiều năm nay và đang là thách thức không nhỏ cho Thủ đô. Trong các cuộc họp giao ban những tháng gần đây, UBND TP đã liên tục giao các các sở, ban, ngành chủ động xây dựng kế hoạch thu gom rác thải sinh hoạt, rác xây dựng để không làm ảnh hưởng đến môi trường. Hiện tại, rất cần những phương án dự phòng để Hà Nội không rơi vào thế bị động trong việc xử lý rác thải đô thị.

UBND TP Hà Nội cho phép UBND huyện Sóc Sơn lập, phê duyệt bổ sung chính sách hỗ trợ khác với tổng mức bồi thường theo quy định và mức hỗ trợ khác không quá 500.000 đồng/m2. Tổng diện tích hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất theo quy định tại Điều 129 Luật Đất đai năm 2013. Đối với các trường hợp đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở từ 400m2 trở lên, UBND huyện Sóc Sơn lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.

Đối với Khu tái định cư phục vụ bố trí cho các hộ trên địa bàn xã Nam Sơn, cuộc họp ngày 5/7 thống nhất xác định giá thu tiền sử dụng đất tái định cư theo vị trí 4 đường 35 là 2.700.000 đồng/m2. Trường hợp các hộ có nhu cầu nhận tiền để tự lo tái định cư, UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt mức hỗ trợ 1.957.508 đồng/m2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.