Bạn nhỏ vùng cao 'xuống phố'

GD&TĐ - 60 học sinh ở vùng khó khăn của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi được đưa đi tham quan nhà sàn Bác Hồ, bảo tàng…

Cô Đỗ Thị Bình cùng học sinh Trường Tiểu học Trà Phong, huyện Trà Bồng.
Cô Đỗ Thị Bình cùng học sinh Trường Tiểu học Trà Phong, huyện Trà Bồng.

Trong 3 ngày, 60 học sinh ở vùng khó khăn của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã được các mạnh thường quân tổ chức đưa đi xuống phố tham quan nhà sàn Bác Hồ, bảo tàng… với các em đây là kỷ niệm không bao giờ quên trong đời.

Bỡ ngỡ trong lần đầu xuống phố

Với mong muốn mang đến cho những đứa trẻ vùng cao những điều bất ngờ, thú vị sau một năm miệt mài học tập, anh Nguyễn Bình Nam – một mạnh thường quân ở TP Đà Nẵng cùng với những cộng sự của mình đã tổ chức chương trình “Bạn nhỏ vùng cao xuống phố”. Chương trình nằm trong dự án “Đi học trên núi” mà anh Nam cùng cộng sự thực hiện, nhằm chăm lo hỗ trợ khó khăn cho các học sinh mồ côi, hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Anh Nam tâm sự, các em là học sinh tham gia chương trình đến từ các trường tiểu học, THCS và THPT ở các huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), điều xúc động là hầu như các em lần đầu tiên được đặt chân đến thành phố. Chính vì thế, để chuyến tham quan thành công anh cùng cộng sự của mình lên kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ, tạo bất ngờ cho các em trong từng hành trình nơi các em đến. Đặc biệt là đặt sự an toàn cho các em lên mức cao nhất trong suốt chuyến đi. Để được thực hiện chuyến đi anh Nam đã xin phép lãnh đạo địa phương nơi các em học tập, cùng với đó chính là cái “gật đầu” từ cha mẹ các em.

Cô Đỗ Thị Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Phong, huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, nhận thông tin từ đoàn từ thiện cho 5 học sinh người đồng bào Xơ Đăng có hoàn cảnh khó khăn và học giỏi nhất trường đi tham quan Đà Nẵng trường rất vui bởi các em có cơ hội được trải nghiệm những điều mới mẻ.

Sáng 2/6, 60 trẻ em vùng cao cùng với sự hỗ trợ của 14 giáo viên đã lên xe, bắt đầu đưa các em ra ngoài cánh cổng làng để đến với một “vùng trời” khác, bên ngoài những dốc núi, triền rừng mà các em thường thấy. Đoàn đã đưa các em tham quan nhà sàn Bác Hồ, khu vui chơi giải trí, tắm biển, phố cổ Hội An… Trong mỗi chuyến đi, những đôi mắt trong veo với gương mặt ngây thơ của các em đã để lại nhiều ấn tượng.

Em Nguyễn Thị Uyên – đồng bào Xơ Đăng, học lớp 9 Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Cang (xã Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho hay, cảm xúc của em rất là vui khi được tham quan. Và đây là lần đầu tiên được xuống tham quan ở Đà Nẵng và Hội An. “Những gì em được thấy rất lạ lẫm với quê em. Chuyến đi mang lại cho em rất nhiều điều bổ ích. Em chỉ biết cảm ơn các mạnh thường quân và thầy cô đã cho em chuyến đi đầy ý nghĩa này”, Uyên nói.

Cùng chung niềm vui, em Nguyễn Thị Thu Hoà - học sinh lớp 2 xã Trà Mai (huyện Nam Trà My) chia sẻ, ấn tượng nhất của em là được đi thăm quan nhà sàn Bác Hồ. “Được đi thăm quan em rất thích, vì ba em mất sớm, một mình mẹ em nuôi 3 chị em nên khó khăn, không có cơ hội được đi chơi đâu nhiều. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để năm sau được tiếp tục đi chơi”, Thu Hòa chia sẻ.

Từ huyện miền núi Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), 3 em Hồ Thị Bích Diễm, Hồ Thị Oanh và Hồ Thị Nhi - đồng bào Cor, bỡ ngỡ khi đây là lần đầu tiên được xuống phố cùng với cô giáo Đỗ Thị Bình. Bởi cuộc sống khó khăn, quanh năm cha mẹ các em đều “đầu tắt mặt tối” với nương rẫy để kiếm cơm, đi học về các em còn phải phụ cha mẹ làm việc nhà. Nên được đi tham quan là niềm mơ ước lớn lao với các em.

“Khi em biết mình nằm trong danh sách đi tham quan, em vui lắm. Đêm trước khi đi em mất ngủ vì vui, háo hức. Em không thể tưởng tượng được những gì mình đi trải nghiệm vì nó quá tuyệt vời”, Nhi cho hay.

Học sinh trong đoàn thăm bảo tàng Quân khu 5.

Học sinh trong đoàn thăm bảo tàng Quân khu 5.

Nuôi dưỡng ước mơ

Cô Đỗ Thị Bình chia sẻ: “Nhiều em học sinh mồ côi cha, mẹ. Có em mồ côi cả cha lẫn mẹ nên sống chung với bà, bởi vậy cuộc sống các em rất khó khăn. Vì vậy chuyến đi này rất ý nghĩa, nhờ đó các em mới được trải nghiệm được nhiều điều. Hy vọng chuyến đi được tổ chức hằng năm, để các em khác cũng được trải nghiệm. Từ đó ươm mầm cho những ước mơ, hoài bão của các em sau này”.

Thầy Phạm Xuân Ngân - giáo viên dạy môn Địa lý Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho rằng: “Tôi rất vui bởi vì học trò của mình được tham quan những nơi đẹp, biết những điều tốt nhất. Từ đó các em cố gắng học tập, sau này tương lai các em sẽ tươi sáng hơn. Ở chung với các em những ngày tham quan, tôi thấy được các em rất vui vẻ, háo hức. Tôi mong muốn có nhiều chương trình như thế này hơn, để các em khác cũng được đi tham quan”.

Anh Nguyễn Bình Nam tâm sự rằng, khi tổ chức chương trình bản thân anh ban đầu cùng mọi người chỉ mong duy nhất một điều đó là các cháu được nhìn thấy một “bầu trời khác”, mở một cánh cửa, một không gian mới lạ trong cuộc đời.

“Chuyến đi để các em tìm được những điều mới mẻ ngay trong suy nghĩ, tư duy của mình. Tôi tin rằng, sau hành trình này góp phần thay đổi suy nghĩ của các em, tạo động lực cho các em học tập vươn lên trong cuộc sống. Cùng với đó là sẽ có nhiều chuyến đi hơn, mang những điều tốt đẹp đến với các em khó khăn. Tôi có nhắn nhủ các cháu rằng, dù sao đi chăng nữa, các em cũng không được bỏ học. Các mạnh thường quân sẽ luôn theo sau và hỗ trợ các cháu”, anh Nam nhấn mạnh.

“Tôi xuống xin phép gia đình cho các em tham gia chương trình, cả nhà cứ ngơ ngác không hình dung được phải chuẩn bị những gì. Bởi bản thân cha mẹ và gia đình các em rất khó khăn, tôi phải đi lựa từng cái áo quần tươm tất nhất để các em được đi. Có em chỉ vọn vẹn được 1 bộ đồ đẹp nhất mặc trên người”, cô Bình tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ