Bạn nhớ nhất điều gì về mùa thu Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bạn có đang nhớ Hà Nội khi đang ở phương xa không? Có nhớ hương vị cốm đã tạo ra một mùa thu rất riêng của Hà Nội không? Còn tôi thì tôi nhớ...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Mùa thu Hà Khi xa Hà Nội bạn nhớ nhất điều gì về Hà Nội?

Nhớ từng con phố mỗi mùa thay lá. Nhớ Hồ Gươm tấp nập người xe. Nhớ hoàng hôn buông nắng bên Hồ Tây. Nhớ các quán quen mang đậm phong vị Hà Nội?

Khi bạn xa Hà Nội bạn nhớ nhất mùa nào trong năm của Hà Nội?

Mùa hạ chói chang với hương sen Hồ Tây lan tỏa. Mùa thu dịu ngọt với những gánh sấu chín vàng rộm. Mùa đông cận kề với những con đường ngập cúc họa mi. Và mùa xuân với những cành đào Nhật Tân đung đưa trong gió...

Khi xa Hà Nội thì điều gì cũng làm bạn nhớ. Có thể nhớ từ tiếng rao bánh mì nóng trong đêm, nhớ giây phút ngăn đường cho đoàn tàu chạy vào ga, hay hình ảnh các cụ già tập thể dục sáng nơi công viên....

Còn nó, dù đang trong lòng Hà Nội vẫn nhớ những hình ảnh quen thuộc và âm thanh phố phường. Đó chính là những thúng cốm khi độ thu về hay thúng bánh rán ngào mật vào những ngày đông. Những nét riêng mang hương vị Hà Nội.

Trời tháng Tám vào thu, tháng Chín cũng là mùa lúa chín. Vì thế, khi trời chuyển gió cũng là lúc những gánh cốm non xuống phố. Ngày nay, khoa học tiến bộ với công nghệ mới người ta có thể làm cốm quanh năm. Nhưng có lẽ ngon nhất cho món cốm tươi vẫn phải là độ vào thu.

Khi ấy lúa đã qua độ kết sữa để tạo thành hạt thóc non, rất đúng thời điểm để người nông dân thu hoạch lúa non về làm ra những mẻ cốm. Cách làm cốm cũng công phu và rất cần sự tỉ mỉ. Nó cũng không đủ kiến thức để bàn sâu dù từng được chứng kiến công đoạn làm cốm.

Khi ánh nắng ngày mới bắt đầu thì cũng là lúc các gánh cốm xuống chợ, xuống phố. Sáng sớm đi làm ta có thể bắt gặp các chị trung niên với hai gánh cốm oằn vai hoặc hình ảnh một thúng cốm được đội lên đầu, được kẹp vào nách đang hòa cùng phố mùa thu.

Làm cốm đã nhiều công phu nhưng bán cốm cũng công phu không kém. Bạn sẽ không bao giờ thấy hình ảnh cốm được bỏ vào túi hay cốm được lộ ra ngoài để ta nhìn thấy. Mà cốm luôn ẩn mình trong cái vỉ buồm đậy kín.

Đó là một cái thúng đã chuyển màu theo năm tháng. Đập vào mắt ta chỉ thấy trên cái vỉ buồm là mấy chiếc lá sen bánh tẻ còn tươi và một cuộn cọng rơm vàng khô. Để làm gì ư? Ai đã từng mua cốm đều biết nó dùng để làm gì.

Mở cái vỉ buồm ấy ra là hương thơm của cốm mới làm vương vấn. Cốm được đựng trong cái thúng lót kín lá sen. Cốm ngon và không tẩm màu mang một màu xanh nhạt hơi xỉn. Ăn dẻo ngọt ngay trên đầu lưỡi chứ không khô hay xanh rì màu lá vì như thế là cốm đã tẩm màu và không ngon.

Từ ngày nào không ai biết điều mặc định là cốm thì phải được gói vào lá sen, buộc bằng những sợi rơm vàng. Có thể làm thế cốm sẽ thơm ngon hơn vì lá sen mọc giữa hồ hái vào ban mai, khi đón nhận hết cái tinh khiết của đất trời, những cọng rơm vàng mang mùi hương lúa chín là thành quả của người nông dân.

Hòa quyện vào nhau sẽ ướp hương cốm thêm quyến rũ. Hoặc có thể gói vào lá sen sẽ làm cốm luôn được mềm dẻo... Hoặc đơn thuần chỉ là nó mang đậm chất tao nhã của người Hà Nội. Vì cốm là một thứ quà của lúa non. Một món quà của mùa thu.

Vì thế bất cứ cái gì liên quan đến nó đều phải tinh tế và nhẹ nhàng. Để cốm ngon, người bán phải ủ cốm kín gió cho hương không bay đi, cốm không bị gió lùa làm khô đi. Gói cốm phải nhẹ nhàng xinh xắn dù người mua ít hay nhiều...

Người làm cốm vất vả, người bán cốm cần cẩn thận, nhưng người thưởng thức cốm cũng cần sự tinh tế thì mới cảm nhận hết hương vị của cốm.

Sáng mai đi làm người ta tạt vào lề đường bên gánh cốm mua đôi ba lạng đến cơ quan thưởng thức cùng đồng nghiệp bên ấm trà đặc hoặc ly trà xanh nóng hổi. Kể cho nhau nghe đôi câu chuyện chồng con. Nhưng người ta không dùng từ ăn cốm mà sẽ là thưởng cốm.

Cốm sẽ chẳng thể bốc một nắm phả vào mồm như ngày xưa ta hay ăn ngô rang được. Người ta sẽ nhón một chút bỏ vào miệng và chậm rãi nhai để cảm nhận cái vị dẻo, ngọt bùi hòa quyện cùng mùi hương thoang thoảng của cốm đang lan tỏa trong căn phòng cùng hơi trà nóng bốc lên…

Mẹ dạy ta từ thuở bé. Chuối cần phải lấy dao cắt đầu để đều và không bị nham nhở, người khác ăn sau còn có cảm giác ngon. Chuối sẽ không được bỏ tủ lạnh vì sẽ thâm đen. Ăn chuối cần phải dùng tay bẻ đôi quả chuối. Mỗi lần ăn chỉ một nửa quả.

Chấm nhẹ nhàng vào cốm và thưởng thức. Khi nhai thì không nói chuyện vì cốm và chuối đang hòa quyện nói sẽ rất vô duyên... chỉ món cốm đơn giản mà làm cho ta gợi nhớ bao điều: Nhớ về Hà Nội vào thu, nhớ về những nét thanh tao của người Hà Nội và nhớ cả những điều đơn giản nhất mẹ dạy ngày xưa...

Bạn có đang nhớ Hà Nội khi đang ở phương xa không? Có nhớ hương vị cốm đã tạo ra một mùa thu rất riêng của Hà Nội không? Còn tôi thì tôi nhớ....

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.