Ngày 10-9, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang đã làm việc với Nguyễn Văn Hưng (Hưng Vlog, con trai bà Tân Vlog) để làm rõ sự việc trên tài khoản YouTube của anh này xuất hiện video nấu cháo với con gà còn nguyên cả lông.
Bị phạt 7,5 triệu đồng
Sau buổi làm việc, ông Lê Hồng Việt, Chánh Thanh tra Sở TT&TT tỉnh, đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Văn Hưng 7,5 triệu đồng. Biện pháp khắc phục là buộc Hưng gỡ bỏ thông tin vi phạm đăng tải trên tài khoản mạng xã hội YouTube Hưng Vlog video clip “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết”.
Theo quyết định xử phạt, Hưng đã thực hiện hành vi vi phạm: Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc (đăng tải trên tài khoản mạng xã hội YouTube Hưng Vlog) theo điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 của Chính phủ. Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Trước đó, Hưng đưa lên kênh của mình video nấu nguyên nồi cháo trắng với con gà còn nguyên lông để trêu hai người em trong nhà. Video vấp phải nhiều ý kiến phản đối của cộng đồng mạng nên Hưng đã xóa video trên kênh YouTube của mình.
Trong video, Hưng nói: “Vì nhà có rất nhiều gà nên hôm nay mình sẽ bắt nguyên con bỏ vào nồi nấu cháo để troll (chơi khăm - PV) em trai và em gái. Chỉ nghĩ đến cảnh hai đứa nó ăn nồi cháo đã thấy buồn cười”.
Sau khi hai anh em ăn cháo, tìm gà trong nồi mới phát hiện ra con gà vẫn còn để nguyên lông nên cô em phun hết cháo trong miệng ra. Tiếp đó là cảnh ba anh em đuổi nhau.
Có vi phạm thuần phong mỹ tục?
Quyết định của cơ quan có thẩm quyền là như vậy nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính trong trường hợp này với căn cứ như trên là chưa phù hợp.
Vài nét về Hưng Vlog
Hưng Vlog tên thật là Nguyễn Văn Hưng (sinh năm 1992), anh được biết đến là một YouTuber khá nổi tiếng. Hiện nay, anh có ba kênh YouTube gồm Hưng Vlog, Hưng Troll và Hưng Gamer, trong đó có nhiều nội dung troll (chơi khăm) người thân trong gia đình.
Anh chính là người lập kênh YouTube cho mẹ mình là bà Tân Vlog (tên thật là Nguyễn Thị Tân). Sự mộc mạc, hài hước, ngô nghê, chân chất chính là điểm thu hút trong các clip của cả bà Tân lẫn con trai. Ngoài việc quay và dựng các clip cho mẹ, Hưng Vlog cũng là người nghĩ ra ý tưởng và xuất hiện trong các clip của mẹ với vai trò quần chúng chuyên ăn những món ăn khổng lồ mà bà nấu.
Theo TS Cao Vũ Minh, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, việc xử phạt hành vi của Hưng Vlog là khiên cưỡng. Video được đưa lên môi trường mạng nên nó được điều chỉnh bởi Nghị định 15/2020 của Chính phủ là đúng.
Tuy nhiên, con gà không phải là linh vật hay động vật quý hiếm nên không thể coi là vi phạm thuần thuần phong mỹ tục để xử phạt. Nó cũng giống chuyện người làm món gà nướng đất sét cũng để nguyên lông mà chế biến. Trên mạng xã hội người ta cũng thường khoe hành vi bỏ con đuông dừa vào nước mắm và ăn sống, không thể dùng hình ảnh này đánh giá về thuần phong mỹ tục.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng dù hành vi của Hưng Vlog có mang tính phản cảm, việc lan truyền video có thể tạo ra xu hướng bắt chước (có thể thôi, chứ ai đi bắt chước việc nấu nướng không vệ sinh như vậy). Tuy nhiên, nếu xem việc nấu nướng như trong video là không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc là chưa thuyết phục.
ThS Nguyễn Nhật Khanh, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích thuần phong mỹ tục là phong tục tốt đẹp và lành mạnh, những quy chuẩn xã hội nào cũng phải có, được hình thành theo thời gian, từ lối sống của con người. Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục là phải làm phá vỡ những phong tục tốt đẹp của cộng đồng, dân tộc, làm tổn thương đời sống tinh thần của người dân.
Ở một số nước có những loài động vật được xem là linh vật, biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng trong đời sống cộng đồng như bò ở Ấn Độ, gấu trúc ở Trung Quốc. Người dân ở đây không được thực hiện các hành vi gây hại hoặc giết mổ những con vật này rồi chụp ảnh, đăng video để chia sẻ trên mạng xã hội.
“Ở Việt Nam, gà được coi là gia cầm, là một loại thực phẩm, không được xem là con vật mang tính chất linh vật. Gà không có ý nghĩa về tâm linh và tín ngưỡng nên việc Hưng nấu nồi cháo gà còn nguyên lông không nên xem là trái với thuần phong mỹ tục” - ThS Khanh nói.
Quản lý sự phản cảm trên mạng xã hội không dễ
Nhân vụ con trai của bà Tân Vlog có video nấu gà để nguyên lông, nhiều người thắc mắc về những chuẩn mực và quy định quản lý các nội dung mang tính phản cảm của các nền tảng mạng xã hội. Cho đến nay, đây vẫn còn là một bài toán khó.
Đặc trưng của nhiều mạng xã hội phổ biến chính là dễ dùng, lan tỏa nhanh và khó bị ngăn chặn tức thì. Những nội dung càng gần gũi, càng vui, độc, lạ, có tính gây tò mò hoặc tính giải trí cao thì thu hút lượt xem, bình luận và tương tác từ giới bình dân càng cao. Trong hàng tỉ video trên mạng xã hội, có một số dạng thường thu hút người xem.
Thứ nhất là nhóm hành vi bạo lực, chết chóc, vi phạm thuần phong mỹ tục hay luật pháp. Đầu năm ngoái, dư luận rúng động khi những kẻ khủng bố tại hai thánh đường Hồi giáo ở trung tâm và ngoại ô Christchurch, New Zealand đã dùng Twitter và Facebook để tường thuật lại quá trình gây án rùng rợn. Vụ khủng bố khiến 49 người chết và 20 người bị thương. Việc chặn các video dạng này ngay từ đầu vẫn còn là khó khăn của các ông lớn như Facebook hay YouTube, trong khi các nước vẫn loay hoay chưa biết ứng xử như thế nào.
Thứ hai là nhóm video gây tranh cãi, ví dụ video nấu con gà để nguyên lông. Có người nói đó là hành vi ghê rợn, phản cảm, trái lẽ thường; nhưng có người cho rằng con gà đã chết thì việc nấu để nguyên lông suy cho cùng cũng chỉ là trò đùa. Sự phản cảm lúc này sẽ trở thành khái niệm tương đối. Khi đó, mạng xã hội xem xét có thể xóa hoặc không.
Các nhà mạng đã cố gắng đưa ra và điều chỉnh liên tục chính sách sản xuất nội dung cho người dùng để tránh bị lọt các video tiêu cực, phản cảm. Tuy nhiên, đây là bài toán khó bởi: (i) Kiểm soát gắt gao sẽ ảnh hưởng đến sự tự do của người dùng, qua đó làm hao hụt lợi nhuận của nhà mạng; (ii) Sự phản cảm đôi khi khó được đồng thuận (như vụ nấu gà để nguyên lông); và (iii) Luật pháp các nước cũng chưa hoàn thiện, nên khó phối hợp với nhà mạng. YouTube đã đi tiên phong khi mở kênh YouTube Kid dành riêng cho trẻ em. Dẫu vậy, (iv) việc quản lý từ gia đình cũng là một bài toán nan giải. Giải quyết được các bài toán này, câu chuyện tác động tiêu cực từ mạng xã hội sẽ được giảm thiểu.