Băn khoăn tên gọi mới của 'làng khoa bảng' ở Nghệ An sau sáp nhập

GD&TĐ - Nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh việc đổi tên “làng khoa bảng” xã Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thành xã Đôi Hậu sau khi sáp nhập.

Xã Quỳnh Đôi là địa danh nổi tiếng, được mệnh danh là "làng khoa bảng" của Nghệ An. (Ảnh: Nhật Thanh)
Xã Quỳnh Đôi là địa danh nổi tiếng, được mệnh danh là "làng khoa bảng" của Nghệ An. (Ảnh: Nhật Thanh)

Ngày 12/4, lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, huyện vừa có văn bản báo cáo đến cơ quan chức năng tỉnh về điều chỉnh tên gọi đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập.

Giai đoạn 2023-2025, địa phương này có 15 xã thuộc diện sáp nhập để thành lập 7 xã mới. Trong đó, có 2 xã đặt tên mới, 5 xã lấy tên bằng cách ghép từ 2 tên của xã cũ.

Đáng chú ý, 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu được đề xuất đặt tên mới là xã Đôi Hậu sau khi sáp nhập. Tên gọi này khiến dư luận và người dân địa phương băn khoăn.

Nhiều người tỏ ra tiếc nuối cho địa danh Quỳnh Đôi, một xã rất nổi tiếng về học hành và khoa bảng. Một số khác lại cho rằng, tên gọi Đôi Hậu không mang nhiều ý nghĩa và có phần kỳ cục.

Xã Quỳnh Đôi được biết đến là vùng đất khoa bảng của tỉnh Nghệ An. Theo thống kê, mảnh đất này có 734 người đỗ Tú tài và Cử nhân, 4 người đỗ Phó bảng, 7 người đỗ Tiến sĩ, 2 người đỗ Hoàng Giáp và 1 người đỗ Thám hoa. Đây cũng chính là quê hương của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.

Quỳnh Đôi hiện có 8 Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia và 1 Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Cuối năm 2023, địa phương này ra mắt tour du lịch Làng Cá Gỗ, thu hút hàng ngàn du khách thập phương và người dân đến đây tham gia, trải nghiệm.

Du khách tham dự tour du lịch “Làng Cá Gỗ - Sau ánh hào quang” tại xã Quỳnh Đôi. (Ảnh: Vietnam Travel)

Du khách tham dự tour du lịch “Làng Cá Gỗ - Sau ánh hào quang” tại xã Quỳnh Đôi. (Ảnh: Vietnam Travel)

Còn xã Quỳnh Hậu bắt nguồn từ làng Kẻ Bèo. Năm 990, vua Lê Đại Hành sắc phong Cao Sơn - Cao Các là Thành hoàng làng. Đến năm 1660, mảnh đất này có tên là Bào Hậu.

Sau nhiều lần tách, nhập, xã có tên Quỳnh Hậu như hiện nay. Xét về sự hình thành và phát triển, Quỳnh Hậu cũng là địa phương có bề dày về lịch sử, văn hóa.

Ông Hồ Quang Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Đôi cho biết, phương án ban đầu sau khi sáp nhập xã mới sẽ lấy tên Quỳnh Đôi. Tuy nhiên, phía xã Quỳnh Hậu không đồng ý và yêu cầu lấy tên là Hậu Đôi hoặc Đôi Hậu, vì muốn giữ chữ Hậu trong tên gọi mới.

“Nhắc đến Quỳnh Đôi, thì người dân khắp nơi trên cả nước đều biết đến, nên không chỉ riêng người dân xã Quỳnh Đôi, mà người dân nhiều nơi cũng không đồng tình với tên gọi mới theo dự kiến”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, theo phương án dự kiến ban đầu là giữ lại tên của 1 trong 2 xã sáp nhập, nhằm giảm áp lực cho người dân trong việc thay đổi thông tin trên các giấy tờ sau sáp nhập.

Tuy nhiên, khi lấy ý kiến trong Ban chấp hành Đảng ủy các địa phương sáp nhập, có xã lấy ý kiến đến tận các Chi bộ, một số cán bộ, đảng viên các địa phương không đồng tình với phương án này.

Theo ông Dinh, hiện huyện này đang họp bàn để đưa ra phương án, dựa vào nguyện vọng của người dân 2 xã.

“Chúng tôi sẽ cho bỏ phiếu để lấy ý kiến người dân về tên mới của xã sau sáp nhập. Nếu không thể giữ tên xã cũ thì sẽ tìm một tên mới”, ông Dinh thông tin.

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025, Nghệ An có thị xã Cửa Lò và 67 xã của các huyện, thị phải sáp nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.