Cân nhắc khi sáp nhập

GD&TĐ - Trong đợt sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện và xã lần này, có 56 tỉnh, thành phố đã lên phương án để đến năm 2025 cả nước sẽ hoàn thành như dự kiến.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Như vậy, có 56/63 tỉnh thành sẽ có sáp nhập, sắp xếp lại 500 huyện và 1.243 xã.

Chuyện tách rồi nhập các đơn vị hành chính từ xã đến tỉnh đã diễn ra rất nhiều lần kể từ khi đất nước thống nhất đến nay. Mỗi lần tách hoặc nhập, các nhà quản lý đều đưa ra những lý do khác nhau, mà lý do nào nghe cũng “có lý” nên không mấy ai bận tâm.

Nhưng có lẽ, điều mà nhiều người dân quan tâm hơn cả, nhất là những “già làng” - cũng là những người am hiểu về lịch sử - văn hóa của xã/huyện đó - là việc xóa đi những địa danh đã gắn bó với họ lâu nay. Có những tên làng, tên xã đã thành niềm tự hào không chỉ với người dân nơi đó mà còn với cả nước nữa.

Nhiều người chỉ đặt nặng chuyện sáp nhập sẽ mang lại lợi ích gì, sẽ giảm bao nhiêu biên chế cán bộ xã, tức là giảm tiền ngân sách phải chi hàng năm, sẽ thuận lợi trong việc quy hoạch… chứ hầu như chẳng mấy quan tâm đến việc mất tên cũ ở những địa phương đó thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm tư, tình cảm của người dân.

Ông bà ta thuở đi mở cõi, lập làng, lập ấp rồi đặt tên cho làng, xã đều có những lý do. Sự cân nhắc khi đặt tên làng, tên xã mới thành lập luôn được lưu ý. Thậm chí, “già làng” còn phải trưng cầu các thành viên trong làng để đặt tên sao đó mà mỗi khi nhắc đến thì người khác sẽ hình dung được.

Đó không chỉ là một tên gọi đơn thuần để ghi vào địa bạ một cách khô khan mà phải thể hiện được khát vọng, hoặc đơn giản là để chỉ đặc điểm của vùng đất đó. Cũng có những làng, xã lấy tên nơi quê cha đất tổ để đặt tên cho nơi ở mới. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng đề cập trong thơ của ông: “Họ gánh theo tên xã tên làng trong mỗi chuyến di dân” là để nói ý vừa đề cập ở trên.

Trong số 500 huyện và 1.243 xã sẽ được sáp nhập và mang tên của một đơn vị hành chính mới, không biết có bao nhiêu nơi còn giữ lại tên cũ? Dĩ nhiên, không ai yêu cầu và cũng không thể giữ lại tất cả tên gọi cũ sau khi sáp nhập. Tuy nhiên, những tên gọi đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ thì có lẽ không nên xóa đi để đặt cho tên gọi mới.

Chẳng hạn như xã Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) là tên gọi đã vượt không gian của vùng đất này. Người Việt Nam đọc lịch sử ai cũng biết đầm Dạ Trạch - nơi Triệu Quang Phục (thế kỷ thứ VI) khiến quân xâm lược nhà Lương mất ăn mất ngủ.

Đây còn là nơi mà Nguyễn Thiện Thuật xây căn cứ du kích kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng phong trào Cần Vương. Giờ sáp nhập mà xóa đi tên Dạ Trạch thì việc nhắc cho con cháu nhớ về lịch sử của một vùng đất mà xã từng mang tên sẽ khó biết bao!

Hay như tên thị trấn Diên Khánh (Khánh Hòa) cũng vậy. Chính quyền địa phương đang lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân là nên xóa hay để cái tên Diên Khánh? Chắc chắn rằng đa số người dân mong muốn để lại tên cũ. Những địa danh như thế không chỉ là tên gọi quen thuộc đơn thuần mà nơi ấy còn trầm tích bao câu chuyện về lịch sử, về quá trình lập làng giữ đất của cha ông thuở đi mở cõi nữa.

Chính vì những lý do đó, việc cân nhắc xóa hay để lại những địa danh lịch sử là điều cần thiết trước khi sáp nhập mang tên gọi mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.