Theo đó, từ năm 2025, tuyển sinh của nhóm trường này sẽ có nhiều thay đổi và có thể tính đến phương án phỏng vấn.
Đề xuất tuyển sinh bằng kỳ thi riêng
Tại Hội nghị giáo dục y học thường niên lần thứ 6 do Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - khẳng định, Kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn đáp ứng mục tiêu tuyển sinh đầu vào, nhất là với những ngành cạnh tranh như: Y khoa, Răng - Hàm - Mặt. Từ năm 2025, các trường y dược phải chuẩn bị phương thức tuyển sinh phù hợp. “Đối với các trường đào tạo ngành sức khỏe, đầu vào tốt thì đầu ra mới tốt. Đây là điều kiện tiên quyết. Đầu vào kém chắc chắn đầu ra không thể tốt” - GS.TS Nguyễn Hữu Tú trao đổi.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, mỗi trường không thể tổ chức kỳ thi riêng lẻ vì tốn kém, hiệu quả không cao. Giả sử Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức riêng một kỳ thi thì cũng chỉ tuyển sinh được 1 - 2 ngành “hot”, các ngành khác vẫn khó tuyển sinh. Từ phân tích trên, GS.TS Nguyễn Hữu Tú cho rằng, khối trường y dược cần tuyển sinh chung, lọc ảo chung. Tổ hợp truyền thống xét tuyển vào khối trường y dược là B00 (Toán, Hóa, Sinh). Từ khi thi trắc nghiệm đã không thể đại diện hoàn toàn cho năng lực của thí sinh. Do đó, cần có một công cụ chung để xét tuyển vào các trường ĐH đào tạo khối ngành sức khỏe.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú cho biết, Kỳ thi đánh giá năng lực của hai ĐH Quốc gia hiện được dư luận đánh giá có tính phân loại cao. Từ năm 2023, hai ĐH Quốc gia cũng sẽ quy đổi điểm tương đương giữa hai kỳ thi này. Vì vậy, ủy thác Trung tâm Khảo thí của hai ĐH Quốc gia tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực theo yêu cầu tuyển sinh đầu vào của các trường y dược.
Hiện nay, Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia gồm tổ hợp 7 môn, với các trường y dược có thể ít hơn, khoảng 4 - 5 môn. Kỳ thi này có thể được tổ chức nhiều đợt trong năm, các trường dùng kết quả xét tuyển theo nhu cầu (có thể thêm tiêu chí phụ).
GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế) - tán thành với đề xuất cần có một kỳ thi đánh giá năng lực riêng cho nhóm trường đào tạo sức khỏe. Việc này có thể ủy thác cho một trung tâm khảo thí của ĐH lớn nào đó và thực hiện theo đơn đặt hàng của các trường.
Khối ngành Y Dược được coi là ngành “hot”. Ảnh minh họa: Internet |
Chưa nên áp dụng đại trà
Bên cạnh xét kết quả từ các kỳ thi đánh giá năng lực, có ý kiến đề xuất, các trường có thể phỏng vấn thêm để kiểm tra chỉ số cảm xúc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc phỏng vấn trong bối cảnh hiện nay không dễ và khó khả thi vì số lượng thí sinh lên đến hàng nghìn người.
GS.TS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Hà Nội - nhìn nhận, vì nhiều lý do khác nhau nên trong giai đoạn này, hình thức phỏng vấn ở Việt Nam chưa phù hợp. “Khi làm quản lý phòng đào tạo, tôi đã đề xuất hủy bỏ phỏng vấn đối với kỳ thi bác sĩ nội trú. Vì 3 - 4 năm liền, phỏng vấn không loại ai nên kỳ thi này không có giá trị” - GS Tạ Thành Văn cho hay.
Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Hà Nội gợi mở, có thể khuyến khích học sinh THPT tham gia hoạt động vì cộng đồng bằng cách cộng thêm vào điểm xét tuyển. Ngành Y rất cần tấm lòng nhân ái nên việc học sinh, sinh viên tham gia công tác xã hội nên được cộng điểm ưu tiên.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Vì thế, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - cho rằng, việc sử dụng hình thức phỏng vấn để tuyển sinh hay không thuộc thẩm quyền của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng hình thức này với những trường hợp chỉ tiêu tuyển sinh ít và cần được chọn lọc kỹ. Nếu áp dụng đại trà sẽ không khả thi và cồng kềnh, tốn kém.
Không phản đối hình thức phỏng vấn trong tuyển sinh đại học, nhất là với khối ngành sức khỏe, song PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng, xét về phương diện kinh tế, tính hiệu quả không cao.
Về nguyên tắc, các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, phải công bố công khai phương án tuyển sinh trong đề án để thí sinh nắm được. Nếu muốn bổ sung hình thức phỏng vấn để tăng chất lượng đầu vào phải công bố sớm. Tuy nhiên, hình thức này chỉ nên áp dụng thí điểm ở một ngành có tính đặc thù, mức cạnh tranh cao hoặc áp dụng cho lưu học sinh, tuyển sinh người nước ngoài…
Đồng quan điểm, TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) - trao đổi, hình thức phỏng vấn không xa lạ, song chỉ nên thí điểm ở một số ngành có tính đặc thù, chưa nên áp dụng đại trà. Nếu áp dụng hình thức này thì thực hiện phải công khai, minh bạch và công bằng, khách quan. Ngoài ra, các trường có thể áp dụng phỏng vấn như một hình thức phụ. Chẳng hạn, phỏng vấn những thí sinh đã trúng tuyển để khảo sát nhu cầu, sở thích.
Theo TS Võ Thanh Hải, trong công tác tuyển sinh, các cơ sở đào tạo nên xây dựng tiêu chí phụ và công bố công khai trong đề án tuyển sinh để thí sinh tiện theo dõi. Từng trường có thể xây dựng tiêu chí phụ khác nhau, phù hợp thực tiễn.