“Điểm sàn” nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe: Khoa học, phù hợp với thực tế

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã “chốt” phương án “điểm sàn” với nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Theo đó, ngành đào tạo giáo viên, mức “điểm sàn” từ 16,5 - 18,5 điểm; ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề, mức “điểm sàn” từ 19 - 22 điểm. 

Ngành đào tạo giáo viên, mức “điểm sàn” từ 16,5 - 18,5 điểm.
Ngành đào tạo giáo viên, mức “điểm sàn” từ 16,5 - 18,5 điểm.

Thuận lợi cho các trường tuyển sinh

Trao đổi về mức “điểm sàn” nhóm ngành đào tạo giáo viên, trình độ đại học năm nay, GS.TS Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho rằng: Đây là mức hợp lý, bởi điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng hơn so với năm ngoái. Mặt khác, quan điểm của chúng ta là thu hút thí sinh khá, giỏi vào học sư phạm, kiên quyết không chạy theo số lượng.

“Đối với đào tạo sư phạm, yêu cầu đầu tiên là chất lượng. Tuy nhiên, cũng cần cân đối hài hòa với nhu cầu sử dụng của địa phương. Trong bối cảnh đang đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, nếu chúng ta không đào tạo từ bây giờ, 4 năm sau không đủ giáo viên  phục vụ công cuộc đổi mới” – GS.TS Hà Thanh Toàn trao đổi.

PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương tán thành với phương án “điểm sàn” mà Bộ GD&ĐT đưa ra với nhóm ngành đào tạo giáo viên. Mức điểm này phù hợp với thực tế, nhất là sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành công và điểm năm nay của thí sinh cao hơn so với năm ngoái.

PGS.TS Đào Đăng Phượng nhấn mạnh: Mức “điểm sàn” được tính toán rất kỹ, có phân tích dữ liệu, so sánh với các năm trước, trong đó tính toán cả số dư, số đạt trên ngưỡng để đưa ra ngưỡng điểm hợp lý, khoa học.

“Tôi ghi nhận và hoan nghênh Bộ GD&ĐT lần đầu tiên đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng trình độ đại học các ngành giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật. Điều này phù hợp với Quy chế tuyển sinh” - PGS.TS Đào Đăng Phượng cho hay.

Theo PGS.TS Đào Đăng Phượng, năm ngoái khi “cào bằng” mức “điểm sàn”, nhiều em có điểm văn hóa cao, điểm năng khiếu thấp vẫn trúng tuyển. Trong khi đó, qua phân tích, các em có nhu cầu thi vào trường năng khiếu thường có điểm thi tốt nghiệp thấp hơn mặt bằng chung, do tập trung cho rèn luyện năng khiếu. Việc xác định “điểm sàn” ngành giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật thấp hơn “điểm sàn” chung khối đại học 1 điểm là khoa học, thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh.

Ngưỡng “điểm sàn” với khối ngành đào tạo y dược là cần thiết. Ảnh minh họa
Ngưỡng “điểm sàn” với khối ngành đào tạo y dược là cần thiết. Ảnh minh họa

Hợp tình, hợp lý

Đối với “điểm sàn” nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2020, lãnh đạo các trường đại học y khoa cũng tán thành với Quyết định của Bộ GD&ĐT (từ 19, 22 điểm - tùy từng ngành đào tạo). GS.TS Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng: Việc tăng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe so với năm ngoái là hợp lý, phù hợp mặt bằng chung tuyển sinh giữa các trường đại học nhóm công lập và  ngoài công lập.

Theo GS.TS Tạ Thành Văn, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào không có quá nhiều ý nghĩa với Trường ĐH Y Hà Nội, vì năm nào điểm trúng tuyển vào trường cũng cao hơn nhiều so với mức “điểm sàn”. Song với các trường khác, nhất là khối dân lập, đây là việc quan trọng, quyết định số lượng thí sinh trúng tuyển và  sự phát triển của các trường. “Đầu vào chỉ là một bước, quá trình đào tạo mới quan trọng, sản phẩm bác sĩ, nhân viên y tế sẽ do quá trình đào tạo quyết định” – GS.TS Tạ Thành Văn nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược (Đại học Thái Nguyên) ghi nhận, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay tốt hơn năm ngoái, phổ điểm dịch chuyển sang phải, điểm trung vị khối B (Toán – Hóa – Sinh) theo tính toán tăng khoảng 1,8 điểm. Trên cơ sở đó, việc chọn phương án tăng mức “điểm sàn” lên 1 điểm so với năm 2019 khối ngành sức khỏe là hài hòa, bảo đảm điều kiện tiếp cận đại học cho thí sinh.

Đồng tình với mức “điểm sàn” mà Bộ GD&ĐT đưa ra, TS Phạm Văn Tác - Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) khẳng định: Quyết định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề trình độ đại học năm 2020 hợp tình, hợp lý, phù hợp với thực tế của năm nay.

TS Phạm Văn Tác phân tích: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành Giáo dục gặp nhiều khó khăn, nhưng đã tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả điểm thi cao hơn so với năm ngoái. Với mức điểm này, trường tốp dưới không khó khăn hay lo lắng trong tuyển sinh vì nguồn tuyển rất lớn.     

Ngày 17/9, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ngành, nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học và ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng 2020 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả  tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi: Các ngành sư phạm trình độ đại học là 18,5 điểm. Riêng đối với các ngành giáo dục thể chất, ngành huấn luyện thể thao, sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật thấp hơn ngưỡng bảo đảm chất lượng chung là 1 điểm. Xét tuyển vào ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng năm 2020 là 16,5 điểm. Đối với nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ hành nghề, mức “điểm sàn” từ 19 - 22 điểm (tùy từng ngành đào tạo).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.