Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm của người dân cả nước bởi liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh kế, tài sản của họ; đặc biệt là các quy định về giá đất, bảng giá đất, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng…
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai, dự thảo Luật đã bỏ quy định về khung giá đất. Kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật tiếp tục quy định UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi UBND cấp tỉnh quyết định ban hành.
Bảng giá đất được dùng để tính tiền sử dụng đất, tiền thuế, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi… Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa làm rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu “HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất” mà Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra. Như vậy rất khó bảo đảm việc định giá đất công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm đang là một câu hỏi khó. Việc xây dựng bảng giá đất hàng năm có ưu điểm là bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường.
Tuy nhiên, liệu các địa phương có đáp ứng được yêu cầu triển khai quy định này hay không? Việc thuê tư vấn, thu thập thông tin, quy trình, thủ tục thẩm định, trình phê duyệt cần thời gian thực hiện.
Nếu không kịp xây dựng và công bố bảng giá đất sẽ vi phạm pháp luật và làm đình trệ mọi hoạt động liên quan tới đất đai. Nếu cố xây dựng bảng giá đất “cho bằng xong” chắc chắn khó bảo đảm chính xác, phù hợp với thị trường và có thể gây ra dư luận không tốt, thậm chí tạo bất ổn xã hội.
Ngoài ra, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định bảng giá đất hàng năm do Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh xây dựng để trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất và trình HĐND cấp tỉnh thông qua trước khi UBND cấp tỉnh quyết định ban hành.
Giao thẩm quyền tham mưu xây dựng bảng giá đất hàng năm cho Sở Tài nguyên và Môi trường dường như là không phù hợp. Bởi ngành tài nguyên làm sao nắm chắc được chuyện giá cả! Với chức năng, nhiệm vụ và kinh nghiệm của mình, ngành tài chính chắc chắn sẽ làm tốt hơn, chính xác hơn là ngành tài nguyên.
Dự kiến, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua vào tháng 10 năm tới sau khi lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân vào đầu năm. Những băn khoăn về khung giá đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần được cơ quan soạn thảo xem xét kỹ lưỡng và có giải pháp hợp lý để bảo đảm lợi ích của cả Nhà nước và người dân.