Bộ Y tế đang lấy ý kiến nhân dân về việc Dự thảo Thông tư ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, nhóm và phạm vi phải sử dụng vắc-xin sinh phẩm y tế bắt buộc.
Bổ sung 2 bệnh vào danh mục
Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất danh mục 13 bệnh truyền nhiễm, nhóm bắt buộc phải sử dụng vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng gồm: Bệnh viêm gan virus B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do Haemophilus influenzae tuýp b, bệnh sởi, bệnh viêm não Nhật Bản B, bệnh rubella, bệnh tiêu chảy do virus Rota, bệnh do phế cầu, bệnh ung thư cổ tử cung.
Như vậy, so sánh với quy định tại Thông tư số 10/2024/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, nhóm và phạm vi phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, cơ quan này đã bổ sung thêm 2 bệnh truyền nhiễm là bệnh do phế cầu và ung thư cổ tử cung.
Bên cạnh đó, tương tự Thông tư số 10/2024/TT-BYT, tại dự thảo thông tư nói trên, Bộ Y tế đề xuất vắc-xin phòng 13 bệnh truyền nhiễm thuộc danh mục quy định được triển khai toàn quốc cho trẻ em, phụ nữ có thai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Các chuyên gia y tế nhận định, đây là một bước tiến quan trọng nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng.
BSCKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Giang cho biết: “Việc đưa vắc-xin phòng bệnh phế cầu và ung thư cổ tử cung vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng không chỉ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh, mà còn có tác dụng lâu dài trong phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt là đối với các nhóm dễ tổn thương như trẻ em và phụ nữ”.
Theo chuyên gia, vắc-xin phòng bệnh phế cầu giúp ngăn ngừa các bệnh lý nghiêm trọng như: Viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng máu do phế cầu khuẩn. Trong khi đó, vắc-xin ung thư cổ tử cung giúp giảm tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung - một căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Nạn nhân của phế cầu khuẩn và ung thư cổ tử cung
Phân tích về mức độ nguy hiểm của phế cầu khuẩn, BSCKII Lê Công Tước cho biết, phế cầu khuẩn là một loại vi khuẩn Gram dương thuộc chi Streptococcus. Vi khuẩn phế cầu có nhiều tuýp khác nhau, có thể thường trú 40 - 70% trong vùng hầu họng người khỏe mạnh, sẵn sàng tấn công ngay khi có cơ hội.
Phế cầu khuẩn chính là “thủ phạm” gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn rất khó điều trị và tốn kém cho gia đình, ngành y tế. Dù người bệnh may mắn được cứu chữa với nhiều loại kháng sinh liều cao, nhưng chi phí điều trị các bệnh do phế cầu có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/ca và điều trị dài ngày.
Chuyên gia cho biết thêm, phế cầu khuẩn gây ra nhiều bệnh lý khác nhau bao gồm: Các bệnh nhiễm trùng thường gặp với tần suất cao như viêm tai giữa hoặc viêm xoang; các bệnh nhiễm trùng nặng và nguy hiểm đến tính mạng như viêm phổi (nhiễm trùng ở phổi), viêm tai giữa (nhiễm trùng ở khu vực phía sau màng nhĩ), viêm màng não (viêm nhiễm màng bảo vệ xung quanh não và tủy sống), nhiễm trùng máu (nhiễm trùng huyết)…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, có gần 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì bệnh viêm phổi do phế cầu. Tại Việt Nam, khoảng 2,9 triệu trẻ em mắc bệnh viêm phổi do phế cầu. Trong đó, có khoảng 4.000 trường hợp tử vong mỗi năm.
Mặt khác, 80% bệnh nhân viêm màng não là trẻ dưới 5 tuổi và tỷ lệ lành bệnh hoàn toàn chỉ 70%. Có 5 - 15% bệnh nhân viêm màng não tử vong dù được điều trị tích cực. Nếu không điều trị tích cực, tỷ lệ này có thể lên đến 30%.
Về ung thư cổ tử cung, đây là một trong những bệnh ung thư phổ biến và nguy hiểm đối với phụ nữ. Mỗi năm, thế giới ghi nhận hơn 660.000 ca mắc ung thư cổ tử cung mới. Trong đó, có 348.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, đây cũng là 1 trong 10 loại ung thư có số ca mắc mới và tử vong hàng đầu.
Số liệu từ Bệnh viện K cho thấy, ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Trung bình một năm, nước ta có hơn 9.000 ca mắc mới và có hơn 3.000 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác tăng khả năng mắc bệnh có thể kể đến như: Quan hệ tình dục không an toàn; quan hệ tình dục sớm; không giữ vệ sinh sạch sẽ vùng kín; hút thuốc…
Đối với vắc-xin phòng bệnh do phế cầu và vắc-xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung, phạm vi triển khai sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, dựa trên các quyết định của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030 và các nguồn lực từ Trung ương, địa phương.
Tiêm vắc-xin được đánh giá là cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung an toàn và hiệu quả nhất. Bộ Y tế cho biết, việc bổ sung vắc-xin phòng bệnh phế cầu và ung thư cổ tử cung vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ tạo ra cơ hội bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu trẻ em và phụ nữ trên toàn quốc. Tuy nhiên, để triển khai thành công, việc đảm bảo nguồn lực và kế hoạch phân bổ vắc-xin hợp lý là yếu tố quan trọng.