Dịch bệnh này khó có thể kiểm soát do người dân bài trừ tiêm vắc-xin.
Đợt bùng phát đầu tiên
Vào ngày 30/1/2025, Bộ Y tế Uganda phát đi cảnh báo về một đợt bùng phát mới của virus Ebola Sudan (SUDV). Trường hợp đầu tiên của đợt dịch được phát hiện tại Bệnh viện Chuyên khoa Quốc gia Mulago ở thủ đô Kampala.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Uganda, bệnh nhân là một điều dưỡng viên 32 tuổi với các triệu chứng ban đầu như sốt. Mặc dù nhận được sự chữa trị, anh đã không qua khỏi và là ca tử vong đầu tiên của đợt bùng phát mới.
Sự xuất hiện của đợt bùng phát Ebola khiến cả hệ thống y tế và cộng đồng Uganda một lần nữa phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Đây là đợt bùng phát thứ 7 của SUDV ở nước này, sau khi đợt bùng phát gần đây từ 2022 - 2023 đã được kiểm soát. Tình hình trở nên phức tạp hơn khi không có vắc-xin hay liệu pháp nào được cấp phép để phòng ngừa và điều trị virus Sudan.
Mặc dù vắc-xin cho chủng Zaire của Ebola, đã được phát triển và phê duyệt vào năm 2022, nhưng nó không có hiệu quả đối với chủng Sudan. Bằng chứng từ giải trình tự bộ gen cho thấy chủng virus gây ra đợt bùng phát lần này khác biệt so với chủng gây bùng phát trước đó, mặc dù vẫn có sự liên quan với chủng gây ra đợt bùng phát SUDV tại quận Luwero vào năm 2012.
Sự khác biệt này gợi ý rằng virus có thể đã lưu hành dai dẳng trong cộng đồng hoặc môi trường sống ở Uganda, liên quan đến các ổ chứa động vật hoang dã hoặc vật nuôi trung gian, bất chấp việc các đợt bùng phát trước đó đã được kiểm soát.
Sự lây truyền bí ẩn của virus trong cộng đồng là một vấn đề nghiêm trọng, đe dọa làm gia tăng sự lây lan của dịch bệnh. Các nghiên cứu gần đây cho thấy virus có thể vẫn tồn tại trong cơ thể người sống sót sau đợt bùng phát, đặc biệt là trong tinh dịch hoặc sữa mẹ, với một số mẫu dương tính với PCR kéo dài tới 2 năm. Điều này chỉ ra khả năng có các trường hợp nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc lây truyền không triệu chứng, có thể dẫn đến những sự kiện lây lan không được chẩn đoán.

Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng
Cuộc khủng hoảng Ebola không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà còn gây ra tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế. Ngay từ khi đợt bùng phát Ebola được công bố, ngành du lịch Uganda đã phải đối mặt với các chỉ trích về cách thức truyền thông của chính phủ. Các quốc gia như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Mauritius đã đưa ra cảnh báo du lịch, khuyến cáo công dân của họ nên thận trọng khi đến Uganda.
Ông Amos Wekesa, doanh nhân trong ngành du lịch, đã chỉ trích Chính phủ Uganda vì chiến lược truyền thông kém, cho rằng điều này đã khiến ngành du lịch chịu thiệt hại lớn. Ông cho rằng các nước đã đưa ra các khuyến cáo không cần thiết, làm suy giảm niềm tin vào Uganda như một điểm đến du lịch an toàn.
Bên cạnh đó, trong những đợt bùng phát dịch Ebola, người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng thường phải hạn chế đi lại, giao thương, ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp và cung ứng thực phẩm.
Nông sản và gia súc không thể vận chuyển đến các khu vực khác, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Thêm vào đó, nỗi sợ lây nhiễm bệnh cũng khiến người nông dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận lao động và quản lý trang trại của họ.
Dịch Ebola cũng ảnh hưởng đến ngành giao thông vận tải. Các biện pháp cách ly và phong tỏa ở các khu vực có dịch làm gián đoạn hệ thống giao thông công cộng, vận chuyển hàng hóa.
Các tuyến đường di chuyển giữa các khu vực bị phong tỏa, không bị phong tỏa trở nên khó khăn, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa và nhu cầu di chuyển của người dân.
Trường học ở Uganda, đặc biệt là ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi Ebola, đã phải đóng cửa trong thời gian dài để tránh sự lây lan của bệnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc học của học sinh mà còn làm gián đoạn chương trình, gây khó khăn cho phụ huynh khi phải tìm kiếm các phương án thay thế cho việc chăm sóc con cái trong thời gian dài không đến trường.

Nghi ngờ phương thức điều trị
Chính sự do dự trong việc tiêm vắc-xin và điều trị của người dân khiến căn bệnh này ngày thêm bùng phát. Trong bối cảnh đó, câu chuyện của Edward Kayiwa, một tài xế xe tải 32 tuổi, đã phản ánh phần nào những thách thức mà người dân Uganda phải đối mặt khi đối diện với dịch bệnh này.
Anh Edward Kayiwa là một trong những người đã sống sót sau khi mắc Ebola trong đợt bùng phát năm 2022. Mặc dù sớm nhận ra bản thân mắc bệnh từ tháng 9/2022, nỗi sợ hãi quá lớn về căn bệnh Ebola đã khiến anh do dự trong quyết định đến bệnh viện điều trị.
Kayiwa cho biết, trong cộng đồng lúc bấy giờ lan truyền rất nhiều “thuyết âm mưu” liên quan đến Ebola, bao gồm tin đồn rằng bệnh nhân bị nhiễm sau khi bị tiêm những chất độc hại. Đặc biệt, những tin đồn vô căn cứ đã khiến nhiều người, trong đó có cả Kayiwa, nghi ngờ về tính chất của dịch bệnh và tìm cách chữa trị theo phương thức truyền thống thay vì đến bệnh viện.
Trong trường hợp của Kayiwa, anh đã phải mất hai ngày mới nhận ra rằng không có ai tử vong sau khi điều trị và một số người thậm chí còn hồi phục. Sau đó, anh quyết định gọi xe cứu thương và đến bệnh viện điều trị.
Những câu chuyện giống như của Kayiwa phản ánh sự hoang mang và thiếu thông tin chính thức về dịch bệnh. Mặc dù đợt bùng phát Ebola ở Uganda đã gây ra cái chết cho 55 người và lây nhiễm cho hơn 140 trường hợp, nhưng việc thiếu các biện pháp thông tin kịp thời, hiệu quả đã tạo cơ hội cho các thuyết âm mưu phát triển.
Trong đợt bùng phát Ebola hiện tại, dù có vắc-xin thử nghiệm cho chủng Zaire của Ebola, nhưng chủng Sudan, loại virus gây đợt bùng phát này, lại không có vắc-xin. Điều này làm tăng mức độ rủi ro và nguy cơ dịch bệnh lan rộng. Mặc dù đã triển khai thử nghiệm vắc-xin ngẫu nhiên trong đợt bùng phát Ebola mới, nhưng sự trì hoãn của cộng đồng trong việc tiêm vắc-xin vẫn là một vấn đề lớn.
TS Daniel Kyabayinze, Giám đốc y tế công cộng tại Bộ Y tế Uganda, cho biết: “Trong số những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đầu tiên tử vong do Ebola, chỉ có một người đồng ý tiêm vắc-xin thử nghiệm. Những trường hợp từ chối tiêm vắc-xin này cho thấy sự do dự và thiếu niềm tin vào các biện pháp y tế hiện tại”.
TS Bruce Kirenga, Hiệu trưởng Trường Khoa học Sức khỏe, Đại học Makerere và Giám đốc điều hành Viện Phổi Đại học Makerere, người đang chỉ đạo các thử nghiệm vắc-xin, cho biết rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự do dự này là thiếu thông tin về vắc-xin. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ cung cấp cho mọi người thông tin họ cần và họ sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc tham gia phòng ngừa chữa bệnh”.

Mấu chốt chống dịch
Một trong những yếu tố khác góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng là cách thông báo dịch tễ của chính quyền. Sau khi đợt bùng phát Ebola được công bố, Bộ Y tế Uganda đã gặp phải chỉ trích lớn về cách thức công bố thông tin và giao tiếp với công chúng.
Bộ trưởng Y tế Uganda, Jane Ruth Aceng, đã thông tin với báo chí rằng các bản cập nhật tình hình sẽ được cung cấp hai tuần một lần, thay vì hàng ngày như thường lệ trong các trường hợp dịch bệnh.
Phản ứng này đã khiến công chúng và các ngành liên quan như du lịch không hài lòng. Việc thiếu cập nhật kịp thời và thông tin chi tiết khiến cho nhiều người dân cảm thấy lo lắng, không biết cách ứng phó với tình hình dịch bệnh.
GS Freddie Ssengooba, chuyên gia y tế công cộng tại Trường Y tế Công cộng Makerere, cho biết: “Công chúng xứng đáng nhận được nhiều thông tin chi tiết hơn về tình hình dịch bệnh và cách thức phòng ngừa. Khoảng cách thông tin và thực tế khiến tất cả chúng ta đều nóng lòng muốn biết điều gì đang xảy ra”.
Trong khi đó, những người sống sót sau các đợt bùng phát Ebola trước đây như Kayiwa cũng kêu gọi cộng đồng không tin vào những tin đồn hay thuyết âm mưu. Kayiwa, người đã chứng kiến nhiều ca tử vong trong bệnh viện năm 2022, nhấn mạnh rằng Ebola không phải là chuyện đùa và yêu cầu mọi người phải cẩn trọng hơn trong việc tiếp nhận thông tin cũng như hành động để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đợt bùng phát Ebola hiện tại ở Uganda không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế mà còn là một cuộc chiến chống lại sự thiếu thông tin, sự do dự trong việc tiêm vắc-xin và những thuyết âm mưu nguy hiểm.
Chính phủ Uganda cần phải cải thiện việc giao tiếp với công chúng và các tổ chức quốc tế để đảm bảo rằng dịch bệnh không trở thành một mối đe dọa lớn hơn. Cùng với đó, việc cung cấp thông tin minh bạch, kịp thời sẽ giúp ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.