Một gia đình, có 2 trẻ cùng mắc sởi
Có 2 con cùng mắc bệnh sởi và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, chị N.T.T (SN 1989, ngụ Bình Dương), cho biết, ngày 12/8, con trai 10 tháng tuổi xuất hiện triệu chứng sốt, ngủ li bì, sổ mũi, phát ban. Sau 1 ngày, chị gái 3 tuổi của cháu có triệu chứng tương tự.
Chị T. cho rằng, dù bé nhỏ chưa tiêm nhưng bé lớn đã tiêm 1 mũi vắc-xin sởi, các bé cũng chủ yếu ở nhà nên gia đình chủ quan, không nghĩ các bé mắc bệnh sởi. Hiện, gia đình chị T. vẫn chưa xác định được nguồn lây vì gần nhà chưa có trường hợp nào mắc bệnh sởi.
Thực tế, nhiều phụ huynh cho rằng, thời điểm trẻ đủ tuổi tiêm vắc-xin sởi thường mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá, sốt. Do đó, phụ huynh lo ngại việc tiêm vắc-xin sởi lúc trẻ đang bệnh có thể khiến trẻ suy yếu hơn, dẫn đến tình trạng nhiều phụ huynh quyết định né tiêm vắc-xin sởi cho trẻ.
ThS.BS Nguyễn Đình Qui – Phó trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), khẳng định, để phòng ngừa bệnh sởi, trẻ cần được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi mũi 1 lúc trẻ đủ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Qua thực tế thăm khám và điều trị các ca bệnh sởi tại bệnh viện cho thấy việc tiêm vắc-xin sởi chưa được các phụ huynh chú trọng và thực hiện tiêm đầy đủ cho trẻ.
Theo BS Qui, kháng thể ở bệnh nhân đã bị bệnh sởi có thể tồn tại bền vững, thậm chí bền vững hơn vắc-xin phòng bệnh sởi. Tuy nhiên, kháng thể không thể bảo vệ trọn đời cho bệnh nhân, nên trẻ đã bị mắc sởi rồi vẫn có thể mắc lại. Do vậy, trường hợp trẻ đã bị mắc sởi rồi phụ huynh cũng cần cho trẻ tiêm nhắc vắc-xin phòng sởi.
Khi trẻ được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng sởi có thể ngừa được khoảng từ 82 - 83%, khả năng trẻ bị mắc bệnh khoảng 17- 18%. Vậy nên, trẻ cần tiêm nhắc lại mũi thứ 2 để khả năng miễn dịch của trẻ tăng lên 95% nhằm bảo vệ trẻ trước dịch bệnh.
“Nhằm tránh lây bệnh cho các bệnh nhi khác, bệnh viện thực hiện phân luồng bệnh nhi nghi ngờ mắc bệnh sởi từ nơi tiếp nhận. Trường hợp bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh sởi sẽ đưa về phòng cách ly của khoa nhiễm hoặc khu hồi sức cấp cứu nhiễm”, BS Qui cho hay.
Kháng thể không thể bảo vệ trẻ trọn đời
Về vấn đề tiêm vắc-xin sởi, BS.CKII Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho rằng, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra, nguy hiểm vì khả năng lây nhiễm cao, có thể gây dịch.
Trẻ em ở các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh sởi, lứa tuổi hay bị bệnh sởi là dưới 5 tuổi. Hiện nay, bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị khoảng 10 ca mắc bệnh sởi. Trong đó, có 1 ca phải thở máy và 6 ca thở NCPAP (phương pháp hỗ trợ về hô hấp cho bệnh nhân còn có khả năng tự thở).
Theo BS Nghĩa, cao điểm có ngày bệnh viện điều trị khoảng 18 bệnh nhi mắc bệnh sởi, đa số các bé bị biến chứng tổn thương phổi và 100% đều chưa tiêm vắc-xin sởi. Trường hợp trẻ đã mắc bệnh sởi, sau 5 - 10 năm nên cho trẻ tiêm lại vắc-xin phòng sởi là tốt nhất. Đối với những trường hợp đã chích ngừa vắc-xin sởi, sau khoảng 10 năm nên cho trẻ tiêm nhắc lại 1 lần.
Ngoài ra, các bệnh nhi đã mắc bệnh sởi, khi xuất viện sẽ được bác sĩ tư vấn cụ thể nhằm thực hiện lịch tiêm vắc-xin theo khuyến cáo. Phụ huynh nên thực hiện đưa con đến cơ sở tiêm chủng để bác sĩ tư vấn, những trẻ sắp đến lịch tiêm mũi 2 hoàn toàn có thể tiêm sớm trước 1 tháng trước tình trạng bệnh sởi có nguy cơ tăng cao hiện nay.
Liên quan đến việc TPHCM dự kiến triển khai các giải pháp để tăng miễn dịch cộng đồng, như chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa sởi cho trẻ từ 1-5 tuổi bất kể tiền sử tiêm chủng, ngày 24/8, BS.CKII Nguyễn Trần Nam – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho rằng, việc tiêm nhắc sởi có ý nghĩa là củng cố lại miễn dịch cho trẻ và hạn chế lây nhiễm, bảo vệ cộng đồng. Khi giảm lây lan được trong cộng đồng sẽ bảo vệ hạn chế lây bệnh cho trẻ nhỏ chưa đến tuổi được tiêm, hoặc vì bệnh lý chưa được tiêm.
Hiện, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang điều trị từ 25 – 30 bệnh nhi, không có trường hợp thở máy, chỉ có trường hợp trẻ thở NCPAP.