Thực tế, những trẻ không được tiêm vắc-xin đang phải đối mặt với hiểm nguy rình rập. Thậm chí, có những trường hợp phải trả giá bằng tính mạng.
Không tiêm vắc-xin do lo... biến chứng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ 21 - 28/3, toàn thành phố ghi nhận 189 trường hợp mắc sởi tại 28 quận, huyện (tăng 7 ca so với tuần trước đó). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.247 trường hợp mắc sởi tại 30/30 quận, huyện, thị xã và một trường hợp tử vong; trong khi cùng kỳ năm 2024 không ghi nhận ca bệnh.
Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, trong đó 11% dưới 6 tháng tuổi; 14% từ 6 - 8 tháng tuổi; 11% từ 9 - 11 tháng tuổi; 23% từ 1 - 5 tuổi; 15% từ 6 - 10 tuổi và 25% trên 10 tuổi. Theo nhận định của CDC thành phố, số ca mắc sởi trong tuần qua tiếp tục tăng so với tuần trước, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Dự báo, trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 42.488 ca nghi sởi, trong đó có 5 ca tử vong. Trong số ca mắc sởi, có đến hơn 95% bệnh nhân không được tiêm vắc-xin phòng sởi hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng. Đáng lưu ý, hiện nay, một số bộ phận người dân do dự, từ chối đưa trẻ đi tiêm vắc-xin.
Ngoài những trường hợp bất khả kháng như trẻ mắc bệnh nền (tim bẩm sinh, bệnh phổi) hoặc bị ốm đúng kỳ tiêm chủng nên bỏ lỡ mũi sởi, một bộ phận phụ huynh theo trào lưu “anti vắc-xin” (chống đối tiêm chủng). Tình trạng đó khiến tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt mức cao.
Ghi nhận trên mạng xã hội Facebook, nhóm “Hội không tiêm vắc-xin đã thành công thực tiễn, chiến thắng dịch bệnh” với hơn 4,9 nghìn thành viên liên tục chia sẻ các bài viết phản đối tiêm chủng, bao gồm cả vắc-xin sởi cho trẻ em và phụ nữ mang thai.
Một tài khoản đăng bài tìm cách lách luật: “Em cần hỗ trợ làm giấy xác nhận đã tiêm sởi cho bé ạ! Nhà trường hối thúc bắt buộc quá?”. Ngay lập tức, một thành viên khác tư vấn: “Cứ kệ đi ạ, cần thì viết giấy gia đình chịu trách nhiệm là được. Inbox em để nhận tài liệu miễn phí, dịch từ tài liệu nước ngoài nữa ạ”.
Nhiều bài viết trong nhóm liên tục lan truyền thông tin sai lệch, gây hoang mang cho phụ huynh. Khi có người thắc mắc “Có nên cho con đi tiêm sởi không?”, hàng loạt bình luận phản đối tiêm chủng lập tức xuất hiện, như “Tiêm là giết con mình!”, “Tiêm xong bị sốt, co giật, tự kỷ, giảm sức đề kháng!” hay “Mình không tiêm mũi nào cả. Hồi đó bị coi là lập dị, giờ thì... à mà thôi!
Con đi học, cô giáo hỏi thì cứ trả lời ‘Dạ, chích đủ rồi cô ạ!’. Có sao đâu!”. Thậm chí, một số thành viên còn tuyên truyền rằng, tiêm vắc-xin có nguy cơ sốc thuốc, tử vong “50/50” đồng thời chế giễu những phụ huynh vẫn tin vào tiêm chủng.
Đáng lo ngại, trong nhóm còn xuất hiện những hướng dẫn giúp né tránh tiêm phòng khi đến lịch, như báo bận, đi công tác, giả vờ quên, thậm chí khuyên phụ nữ mang thai không nên tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào vì lo ngại “biến chứng”.

Đảo ngược làn sóng “anti vắc-xin”
Trong khi những câu chuyện về việc sống không cần vắc-xin được một số người tung hô, lan truyền, thì thực tế, những đứa trẻ không được tiêm vắc-xin đang phải đối mặt với hiểm nguy rình rập, thậm chí có những trường hợp phải trả giá bằng tính mạng.
Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho một bé gái 4 tuổi, là con thứ ba trong gia đình có ba con, sống tại nội thành Hà Nội. Trẻ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khó thở và tím tái.
Đánh giá tình trạng khi nhập viện, kết hợp với các xét nghiệm và thăm dò, các bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc sởi, tổn thương phổi nặng với hội chứng suy hô hấp cấp tính tiến triển, đáp ứng viêm toàn thân quá mức trong tình trạng cơn bão cytokine. Các tạng gan, thận và hệ thống tuần hoàn đều có biểu hiện suy sụp. Do tình trạng quá nặng, trẻ đã không qua khỏi.
Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ nhận thấy, dù đã 4 tuổi, nhưng trẻ mới chỉ được tiêm một liều vắc-xin viêm gan ngay sau sinh và một mũi vắc-xin BCG trong vài tuần sau đó. Tất cả các vắc-xin cần thiết để chống lại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có vắc-xin sởi, trẻ đều không được tiêm. Điều này khiến các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi là nạn nhân của tình trạng do dự hoặc chống đối vắc-xin.
Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng do dự và chống đối vắc-xin đang là mối quan tâm toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ tiêm chủng và sức khỏe cộng đồng.
Tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều điều tra và nghiên cứu về tình trạng do dự hoặc chống đối vắc-xin. Một nghiên cứu tại huyện Bình Lục (Hà Nam) cho thấy, tỷ lệ do dự tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là 25,1%.
Nguyên nhân chính bao gồm lo ngại về tác dụng phụ, thiếu thông tin và tin tưởng vào miễn dịch tự nhiên. Thực tế hiện nay đang xuất hiện làn sóng “anti vắc-xin” trên mạng xã hội, với các nhóm kêu gọi không tiêm chủng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của cộng đồng.
“Do dự vắc-xin có thể được khắc phục bằng giáo dục và tư vấn, trong khi nhóm chống đối vắc-xin thường khó thay đổi hơn. Việc nâng cao nhận thức về lợi ích của vắc-xin là điều quan trọng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, TS.BS Lê Kiến Ngãi nhận định.
Để ứng phó với tình trạng này, chuyên gia cho biết, cần giáo dục cộng đồng bằng thông tin khoa học, dễ hiểu. Cung cấp thông tin chính xác, minh bạch về lợi ích và an toàn của vắc-xin. Truyền thông minh bạch để xây dựng niềm tin.
Tổ chức các chương trình giáo dục, cộng đồng để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng. Tăng cường sự tham gia của nhân viên y tế. Bởi, cán bộ y tế là người có ảnh hưởng lớn đến quyết định tiêm chủng của bệnh nhân.
Đồng thời, cần kiểm soát tin sai lệch trên mạng xã hội thông qua hợp tác với các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, nhằm ngăn chặn sự lan truyền của thông tin không chính xác về vắc-xin.
“Việc đối phó với tình trạng do dự và chống đối vắc-xin đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan y tế, truyền thông và cộng đồng để đảm bảo sức khỏe cho toàn dân. Cần xem xét đưa vấn đề do dự và chống đối vắc-xin như một vấn đề với sức khỏe và quyền lợi của trẻ em”, TS.BS Lê Kiến Ngãi nhận định.