Ban giám hiệu thay phiên đứng lớp vì... thiếu giáo viên

GD&TĐ - Trong thời gian chờ tuyển dụng, ban giám hiệu phải đứng lớp liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy. 

Thiếu giáo viên, cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà, đảm nhận đứng lớp, giảng dạy 26 tiết/tuần.
Thiếu giáo viên, cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà, đảm nhận đứng lớp, giảng dạy 26 tiết/tuần.

Ngoài ra, nhiều giáo viên Tiếng Anh, Tin học được bố trí dạy liên trường để đảm bảo công tác dạy học.

Tiết tiếng Anh dạy tăng cường tiếng Việt

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) có 671 học sinh với 25 lớp. Từ đầu năm học mới, cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng nhà trường, đảm nhận đứng lớp, giảng dạy cho 29 học sinh của lớp 3A2 do thiếu giáo viên.

Cô Vân chia sẻ, năm học mới, toàn trường thiếu 12 giáo viên, nếu để đủ tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp thì cần đến 15 người. Số lượng giáo viên thiếu nhiều, học sinh lại tăng nên hiệu trưởng và 2 hiệu phó phải đứng lớp liên tục.

Để đảm bảo tiến độ dạy học, mỗi tuần cô Vân đứng lớp 26 tiết, nghĩa là tăng 24 tiết theo quy định của Bộ GD&ĐT. “Số tiết tôi phải dạy là khá lớn nên ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý và công việc chuyên môn. Mặc dù thức khuya, dậy sớm để soạn giáo án và làm công việc chuyên môn nên đôi khi các báo cáo không được thực hiện trong thời gian quy định. Không những thế, có lúc họp hành buộc tôi phải “bỏ” lớp nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy học”, cô Vân tâm sự.

“Chỉ tiêu tuyển dụng trong năm học 2022 - 2023 của nhà trường là 10 người, do đó vẫn còn thiếu 5 giáo viên. Không những thế, trường chưa có nhân viên văn thư, thư viện và y tế học đường. Để đảm bảo chất lượng, đơn vị cũng kêu gọi giáo viên hợp đồng nhưng không tìm được người”, cô Vân nói.

Bên cạnh đó, trong khi nhà trường đang thiếu giáo viên trầm trọng thì vào ngày khai giảng năm học mới cô Y Hồng – giáo viên điểm trường Ngọc Leang bị tai nạn giao thông. Hiện sức khỏe của cô Hồng đang rất yếu nên được các y, bác sĩ theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

Còn thầy Phạm Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường theo quy định thì mỗi tuần đứng lớp 4 tiết. Thế nhưng, từ đầu năm học cho đến nay, thầy đứng lớp 32 tiết/tuần, tăng 28 tiết cho mỗi tuần dạy.

Theo thầy Hùng, đứng lớp liên tục gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, kiểm tra và giám sát việc dạy – học của giáo viên trong trường. Ngoài ra, những công việc liên quan đến hồ sơ và sổ sách, giáo án đều phải thực hiện vào buổi tối. Đôi khi công việc nhiều, thầy cô không có thời gian nghỉ ngơi nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Thầy Hùng được đào tạo đa môn nên có thể đảm nhận dạy cả Mỹ thuật và Âm nhạc. Thế nhưng đối với môn học đặc thù là Tiếng Anh yêu cầu giáo viên giảng dạy phải đúng chuyên môn. Chính vì vậy, trong khi chờ tuyển dụng, trước mắt, đến tiết tiếng Anh, nhà trường sẽ dạy tăng cường tiếng Việt hoặc Toán để củng cố kiến thức cho học sinh. Sau khi đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp, nhà trường sẽ cân đối, sắp xếp dạy bù tiếng Anh.

“Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền nhanh chóng tuyển dụng giáo viên mới để đảm bảo việc dạy học. Bên cạnh đó, điều động giáo viên ở trường đủ hoặc thừa đến những đơn vị thiếu nhiều giáo viên nhằm cân đối và đảm bảo chất lượng dạy học”, thầy Hùng bộc bạch.

Thiếu giáo viên, thầy Phạm Văn Hùng - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà phải đứng lớp 32 tiết/tuần.

Thiếu giáo viên, thầy Phạm Văn Hùng - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đăk Hà phải đứng lớp 32 tiết/tuần.

Giáo viên dạy liên trường

Năm học này, Trường THCS Bán trú Dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông có 543 học sinh với 37 cán bộ, giáo viên. Theo thầy Trần Mạnh Thùy, Hiệu trưởng nhà trường, đơn vị đang thiếu 5 giáo viên, chủ yếu dạy các môn: Vật lý, Toán học, Tin học… Đặc biệt, nhà trường chưa có giáo viên dạy Vật lý nên bố trí giáo viên thuộc tổ hợp môn Khoa học tự nhiên dạy tăng tiết.

“Giáo viên dạy tăng tiết ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Do đó, nhà trường đã đề xuất 7 chỉ tiêu để đảm bảo công tác dạy học”, thầy Thùy nói.

Không chỉ huyện Tu Mơ Rông mà tại huyện Kon Plông, nhiều trường học cũng trong tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh và Tin học.

Như Trường THCS Pờ Ê (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông) hiện chưa có giáo viên Tiếng Anh, Tin học. Để đảm bảo nhu cầu dạy học, nhà trường hợp đồng với một giáo viên cấp THCS ở xã Hiếu để dạy liên trường. Còn với môn Tin học, đơn vị đang liên hệ các trường lân cận để tìm giáo viên giảng dạy.

Thầy Nguyễn Thanh Trường, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, nhà trường đã báo cáo, đề xuất lên phòng GD&ĐT để tuyển dụng thêm 2 giáo viên Tin học và Tiếng Anh.

“Giáo viên dạy liên trường ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và gây khó khăn trong công tác quản lý. Việc bố trí thời gian biểu cũng bất cập vì giáo viên chỉ sắp xếp được một vài buổi. Đồng thời, khó khăn khi giao thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vì biên chế thuộc trường khác.

Mặc dù, trường có đầy đủ phòng máy, thiết bị nhưng không thể hợp đồng để giáo viên dạy online vì đa số học sinh đều là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, nếu bố trí dạy online trái buổi thì không đảm bảo cho học sinh. Chính vì vậy, đơn vị mong muốn sớm tuyển dụng và phân bổ giáo viên về các trường”, thầy Trường bộc bạch.

Về vấn đề này, ông Võ Xuân Tựu, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kon Plông, cho biết, đơn vị đang tuyển dụng 108 chỉ tiêu biên chế giáo viên để đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học 2022 - 2023.

Tuy nhiên, từ hè cho đến đầu năm học mới, toàn huyện có 47 giáo viên chuyển công tác. Do đó, ban đầu địa phương hợp đồng để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp. Với số lượng giáo viên tiếng Anh và Tin học đang thiếu, trước mắt các cơ sở giáo dục hợp đồng liên trường để đảm bảo nhu cầu dạy học.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho hay, theo thống kê toàn huyện thiếu khoảng 120 giáo viên, đặc biệt giáo viên Tin học và Tiếng Anh đang thiếu trầm trọng. Đơn vị đang gấp rút tuyển dụng giáo viên để phân bổ về các trường nhằm đảm bảo chất lượng dạy học. Dự kiến đến cuối tháng 9 sẽ hoàn tất công tác tuyển dụng và phân bổ về cho các trường. Cũng theo Chủ tịch UBND huyện, đơn vị mong muốn, đề xuất UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chế độ cử tuyển đối với các môn trong chương trình mới. Đồng thời, có chế độ hợp đồng cho giáo viên, đặc biệt thầy cô vùng sâu, vùng xa.

Năm học 2022 - 2023, tỉnh Kon Tum có 361 trường mầm non và phổ thông. Vừa qua, ngành Giáo dục Kon Tum được bổ sung 391 chỉ tiêu biên chế, gồm: 242 chỉ tiêu mầm non, 128 chỉ tiêu cho tiểu học và 21 chỉ tiêu THCS. Tuy nhiên, theo đại diện Sở GD&ĐT Kon Tum, năm học 2022 - 2023, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập toàn tỉnh thiếu 1.331 chỉ tiêu biên chế. Đặc biệt, giáo viên Tiếng Anh, Tin học hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.