Bàn giải pháp thực hiện mô hình đại học số tại Học viện Kỹ thuật Quân sự

GD&TĐ - Thách thức và giải pháp thực hiện mô hình đại học số tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, là chủ đề của Hội thảo diễn ra chiều 18/12, tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Trung tướng, GS.TS Lê Minh Thái - Giám đốc Học viện cho hay, tại Học viện dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong chuyển đổi số nhưng kết quả này vẫn chưa được ứng dụng sâu, rộng.

Một số ngành đang dừng ở việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ huy, điều hành. Việc số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị chưa đi vào chiều sâu.

Cơ sở dữ liệu các ngành còn hạn chế, chưa đồng bộ. Ngoài ra, một số quy trình nghiệp vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị chưa có các nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Trung tướng, GS.TS Lê Minh Thái - Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự phát biểu tại hội thảo.

Trung tướng, GS.TS Lê Minh Thái - Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự phát biểu tại hội thảo.

Khẳng định, chuyển đổi số mở ra cơ hội cho tất cả các quốc gia, lĩnh vực của đời sống xã hội, Thiếu tướng, GS.TS Trần Xuân Nam – Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự nhìn nhận, để kịp thời nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, xây dựng Học viện trở thành đơn vị điểm về chuyển đổi số trong khối học viện, nhà trường trong Quân đội và xây dựng thành công mô hình đại học số, Học viện Kỹ thuật Quân sự cần nhận thức đúng vai trò quyết định trong chuyển đổi số;

Cùng với đó, đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm đồng bộ, hiện đại. Mặt khác, xây dựng dữ liệu, làm nền tảng kết nối các ứng dụng tại Học viện cũng như kết nối trục tích hợp của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, cần nâng cấp xây dựng các ứng dụng phục vụ quản lý, chỉ huy, điều hành, cung cấp thông tin phục vụ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo.

Là cơ sở đào tạo trong Quân đội với những đặc thù riêng, khác biệt với các cơ sở đào tạo bên ngoài; Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự cho hay, nhiều học liệu phục vụ cho cán bộ, giảng viên, học viên học tập, nghiên cứu có độ mật (không được truyền/nhận qua mạng).

Bên cạnh đó, hạ tầng mạng quân sự và Internet trong Bộ Quốc phòng nói chung, nhà trường nói riêng tách biệt về mặt vật lý; chưa được sử dụng hệ thống mạng không dây cho hệ thống mạng quân sự…

Thực tiễn này đòi hỏi cần thiết xây dựng mô hình đại học số tại Học viện Kỹ thuật Quân sự với những nét riêng, hòa nhập được với mô hình đại học số của các cơ sở đào tạo trong nước.

Theo Ban tổ chức, Hội thảo nhận được 14 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; trong đó có 8 tham luận trình bày tại hội thảo. Các tham luận tập trung chia sẻ kinh nghiệm, một số giải pháp tối ưu nhằm xây dựng mô hình đại học số tại các cơ sở giáo dục đại học; đánh giá khách quan thực trạng và thách thức đặt ra. Từ đó, đề xuất giải pháp chuyển đổi số trong các ngành lĩnh vực do đơn vị phụ trách trong mô hình đại học số tại Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ