Bàn giải pháp phát triển bền vững trong kỹ thuật công trình

GD&TĐ - Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 5 về phát triển bền vững trong kỹ thuật công trình (ICSCE 2024) được khai mạc ngày 23/10.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa Al vẽ. Thực hiện: Ngọc Diệp.
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa Al vẽ. Thực hiện: Ngọc Diệp.

Sự kiện kéo dài đến ngày 25/10 do Trường ĐH Giao thông Vận tải (UTC) tổ chức. Đây là sự kiện quốc tế lớn, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Canada, Bỉ cùng nhiều quốc gia khác.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, qua 5 năm tổ chức, Hội thảo trở thành diễn đàn quan trọng để cộng đồng các nhà khoa học trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng cùng nhau thảo luận, trao đổi về các vấn đề quan trọng, cấp bách đang đặt ra. Qua đó, thu hút sự tham gia tích cực từ các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Chủ đề hội thảo năm nay tập trung vào những thách thức toàn cầu về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực đường sắt cao tốc. Hội thảo đã nhận được hơn 160 bài tóm tắt và 110 bài toàn văn từ các tác giả trong và ngoài nước được lựa chọn để báo cáo.

kythuatcongtrinh-1172-8489.jpg
GS.TS Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải phát biểu tại hội thảo.

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Long, Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia sớm vào các công ước quốc tế về phát triển bền vững. “Chúng tôi cam kết đạt mục tiêu phát thải carbon bằng không vào năm 2050. Điều này thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với các nước đang phát triển, để đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của khu vực và thế giới” - GS.TS Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.

img-6342-7472-4188.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, nhiều giáo sư và chuyên gia quốc tế cũng chia sẻ những nghiên cứu mới nhất về các vấn đề đang thu hút sự quan tâm toàn cầu như: Báo cáo "Những thách thức trong thiết kế cầu đường sắt tốc độ cao” của GS. TS Guido De Roeck, Đại học KU Leuven, Bỉ; Công nghệ tiên tiến thúc đẩy tương lai của kỹ thuật xây dựng đường sắt" của GS. TS Said Easa, Đại học Toronto Metropolitan, Canada; Phát triển mặt đường bê tông nhựa an toàn, bền vững và thích ứng" của GS. TS Nam Tran, Đại học Auburn, Mỹ; "Phương pháp dự báo nhu cầu chuyến đi với các hạn chế về di chuyển" của GS. TS MIWA Tomio, Đại học Nagoya, Nhật Bản.

Bên cạnh đó, hội thảo có sự đóng góp của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác như công trình ven biển, địa kỹ thuật, và kết cấu hạ tầng giao thông. Những báo cáo này sẽ mang lại cái nhìn toàn diện về những bước tiến mới nhất trong nghiên cứu và phát triển bền vững.

congtrinh-8793-3488.jpg
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và cộng đồng khoa học trên thế giới.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận 10 lĩnh vực cốt lõi của ngành xây dựng công trình. Các tham luận của các giáo sư hàng đầu thế giới đã mang lại những định hướng quan trọng về các vấn đề như: phát triển bền vững, đường sắt cao tốc, giám sát sức khỏe công trình, thành phố thông minh, vận tải xanh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng, bản sao số, thiết kế và xây dựng bền vững, vật liệu mới, địa kỹ thuật, công trình thủy và tổ chức giao thông đô thị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ