Cần sớm ban hành
Tọa đàm do Bộ GD&ĐT tổ chức. Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, trước năm 2002 có chương trình khung. Theo Luật Giáo dục 2012, khái niệm chương trình khung không còn. Theo đó, các trường hoàn toàn có thể xây dựng chương trình đào tạo theo đặc thù, thế mạnh của mình.
Tuy nhiên, việc này dẫn đến dù cùng ngành đào tạo nhưng người học tốt nghiệp ở trường này có thể khác nhau về năng lực, nội dung chương trình, kỹ năng so với người tốt nghiệp ở trường khác.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, phải có chuẩn chương trình đào tạo. Cách tiếp cận chuẩn chương trình đào tạo khác với chương trình khung trước đây.
Chẳng hạn, tiếp cận của chương trình khung là nội dung phải có những môn gì, mỗi môn tối thiểu bao nhiêu và nội dung môn học như thế nào. Còn chuẩn chương trình đào tạo quy định yêu cầu tối thiểu.
“Yêu cầu chứ không phải quy định cụ thể “bên trong” như thế nào” - Thứ trưởng nhắc lại. Vì thế, việc xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Kỹ thuật – công nghệ là yêu cầu tối thiểu, tức là điều kiện cần trong việc đánh giá kiểm định.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Tọa đàm. |
Với cách tiếp cận này, chúng ta chỉ cần bộ tiêu chuẩn đánh giá kiểm định chương trình, không cần nhiều bộ cho những lĩnh vực khác nhau. Nếu kết hợp giữa chuẩn chương trình đào tạo với bộ tiêu chuẩn đánh giá kiểm định, thì không cần bộ tiêu chuẩn đánh giá kiểm định cho từng lĩnh vực khác nhau.
Chia sẻ tại Tọa đàm, đại diện các cơ sở giáo dục đại học thống nhất cần thiết ban hành Chuẩn chương trình đào tạo khối ngành Kỹ thuật – công nghệ. Các ý kiến bày tỏ mong muốn, chuẩn này sớm được ban hành để các trường có căn cứ xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo; đồng thời xây dựng các quy định về tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo…
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề xuất làm rõ khái niệm “tương đương”, ngành phù hợp… Cũng có ý kiến cho rằng, cần chú trọng đến tính trung thực của sinh viên và năng lực nghề nghiệp của người học. Trên cơ sở đó, cơ sở giáo dục đại học có thể cụ thể hóa khi xây dựng chương trình đào tạo của đơn vị.
Các đại biểu tham dự tọa đàm. |
Không nên quy định “cứng”
Trao đổi với đại diện các cơ sở đào tạo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, chúng ta thống nhất với nhau, đây là yêu cầu tối thiểu, không nên quy định “cứng”. Chuẩn này đảm bảo tính liên thông và tôn trọng quyền tự chủ của các trường đại học.
Thứ trưởng đặt vấn đề, làm thế nào để các trường dễ thực hiện nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu tối thiểu; làm sao để nổi bật khối ngành Kỹ thuật – công nghệ. Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm đến phát triển bền vững, tính liên ngành, phát triển xanh, năng lực làm việc, phát triển yếu tố con người…
Theo dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo giáo dục đại học khối ngành Kỹ thuật – Công nghệ, đây là một khối ngành lớn, bao gồm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực công nghiệp tạo ra các sản phẩm và các dịch vụ phục vụ đời sống xã hội dựa trên việc ứng dụng các nguyên lý cơ bản của Toán học, Khoa học cơ bản và khoa học kỹ thuật.
Những thiết bị của kỹ thuật – công nghệ có tính quyết định trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của xã hội. Vì vậy, chương trình đào tạo khối ngành này phải được thiết kế và triển khai thực hiện để cung cấp cho người học kiến thức nền tảng vững chắc về toán khoa học cơ bản, kiến thức về công nghệ thông tin, cơ sở ngành và chuyên ngành chuyên sâu về các lĩnh vực khoa học kỹ thuật – công nghệ, những kiến thức về khoa học xã hội, quản lý, quản trị, khởi nghiệp;
Đồng thời trang bị cho người học các kỹ năng cá nhân, khả năng làm việc nhóm, tự học, tự nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực giải quyết vấn đề thực tế từ đơn giản đến phức tạp. Qua đó, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm trong môi trường xã hội có nhiều biến động và ngày một khắt khe hơn, phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số.
Chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học khối ngành kỹ thuật – công nghệ là những yêu cầu chung, tối thiểu đối với tất cả các chương trình đào tạo thuộc khối ngành này.
Chuẩn cơ sở đào tạo là căn cứ để cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định, ban hành, thực hiện, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo; xây dựng các quy định về tuyển sinh. Đây là cơ sở tổ chức quản lý đào tạo, công nhận và chuyển đổi tín chỉ cho người học, công nhận chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo đại học khác, thực hiện giải trình trách nhiệm về chất lượng chương trình đào tạo.
Đại diện cơ sở đào tạo góp ý tại Tọa đàm. |
Chuẩn chương trình đào tạo được xây dựng nhằm mục đích đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực Kỹ thuật – công nghệ, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia, đảm bảo năng lực làm việc của người tốt nghiệp, đáp ứng các yêu cầu xã hội về nguồn nhân lực trong các lĩnh vực Kỹ thuật – Công nghệ và một số lĩnh vực công nghiệp liên quan khác.
Chuẩn chương trình đào tạo là những yêu cầu tối thiểu mà các cơ sở đào tạo khi xây dựng, ban hành chương trình đào tạo phải đáp ứng được. Chuẩn đầu ra đưa ra những yếu tố cơ bản nhất để phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong đối với chương trình đào tạo, nhưng cũng là cơ sở để đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong nước, quốc tế.
Chuẩn chương trình đào tạo khuyến khích sự đa dạng, đặc thù đào tạo tại từng cơ sở đào tạo để xây dựng, phát triển, cải tiến chất lượng liên tục các chương trình đào tạo, đồng thời phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn, khẳng định uy tín, thương hiệu của các cơ sở đào tạo, hướng tới hội nhập khu vực và quốc tế.
Trích dự thảo Chuẩn chương trình đào tạo giáo dục đại học khối ngành Kỹ thuật – Công nghệ.