Tới ngày 13/12 vừa qua, cuộc xung đột này mới le lói cơ hội chính thức chấm dứt khi Hàn Quốc cho biết các bên đã “đồng ý về nguyên tắc”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố trong chuyến thăm Australia rằng hai miền Triều Tiên cùng với Mỹ và Trung Quốc đều đã nhất trí sẽ chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm này ngừng lại bằng một lệnh đình chiến và chưa từng có một hòa ước nào được ký trong nhiều năm qua.
Trong suốt gần 7 thập kỷ kể từ năm 1953 đến nay không có cuộc chiến tranh nào thực sự nổ ra, nhưng biên giới hai miền Triều Tiên vẫn là khu vực nhạy cảm và tập trung dày đặc nhất về mặt quân sự trên thế giới. Động thái đồng ý về mặt nguyên tắc nói trên có thể giúp các bên tái khởi động các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vốn đang bị đình trệ.
Hai miền Triều Tiên đang bị gián đoạn chưa thể tổ chức các cuộc gặp cấp cao do yêu cầu tiên quyết của phía Bình Nhưỡng là Mỹ phải chấm dứt chính sách thù địch với nước này. Chính vì vậy, tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo cũng lâm vào bế tắc kéo dài. Việc các bên nhất trí sẽ kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên có thể sẽ giúp khai thông trở lại cuộc đàm phán này.
Người tích cực nhất trong việc vận động các bên đi đến một hòa ước chính thức chính là Tổng thống Hàn Quốc. Ông Moon Jae-in hồi tháng 9 vừa qua đã đưa ra lời kêu gọi về vấn đề này trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Đại diện đối ngoại của Triều Tiên là Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Kim Jong-un khi đó đánh giá đây là một đề nghị hay và thú vị.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là Triều Tiên tuyên bố không tham gia bất cứ cuộc đối thoại nào về kết thúc chiến tranh nếu Mỹ tiếp tục duy trì quan điểm thù địch. Bình Nhưỡng nhiều năm qua chỉ trích Mỹ duy trì lực lượng tại Hàn Quốc và coi việc hai nước đồng minh này tổ chức các cuộc tập trận là nhằm chuẩn bị cho xâm lược.
Tuy nhiên, việc ông Moon Jae-in thông báo cả hai miền Triều Tiên cùng Mỹ và Trung Quốc đều đã đồng ý về nguyên tắc chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên có thể là một cột mốc quan trọng. Nhưng để việc đồng ý về nguyên tắc này trở thành thực tế thì việc đầu tiên cả 4 bên phải ngồi lại trực tiếp với nhau để bàn thảo. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này sẵn sàng gặp mặt mà không cần điều kiện tiên quyết nào và hy vọng Triều Tiên cũng sẽ phản ứng tích cực.
Chính vì vậy, việc chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên có diễn ra hay không giờ đây phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Bình Nhưỡng. Hiện Triều Tiên chưa có thông báo chính thức về các bước tiếp theo và việc họ có từ bỏ điều kiện tiên quyết đặt ra với Mỹ hay không. Điều này đồng nghĩa từ nay đến lúc đó, thế giới về mặt lý thuyết vẫn đang “chứng kiến” một cuộc chiến tranh đã kéo dài từ năm 1953.