(GD&TĐ) - Sự tồn tại của các ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) với vai trò là cầu nối giữa nhà trường với các gia đình HS là không thể thiếu trong hoạt động giáo dục của các nhà trường. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động của BĐDCMHS thời gian gần đây đã khiến xã hội phải “rung chuông” báo động bởi sự mờ nhạt, thiếu vai trò, thậm chí trở thành “cánh tay nối dài” trong các khoản thu chi, quỹ... chưa hợp lý của trường, lớp. Một BĐDCMHS phải đứng về số đông, và có nhiều hoạt động hiệu quả hơn nữa... đã và đang là mong muốn chung của PHHS.
Ban ĐDCMHS kiểu “đại gia”
Chị M. Hương- PHHS Trường Tiểu học KL phản ánh: Buổi họp PHHS đầu tiên của lớp con gái chị, BPH gần như đã được giáo viên chủ nhiệm “chỉ mặt đặt tên” sẵn. Khi bàn đến các khoản đóng góp để lắp máy chiếu, quạt, máy lọc nước... trong khi có đến 2/3 ý kiến phụ huynh trong lớp phân vân về tính năng, sự cần thiết và bàn bạc góp ý kiến sao cho tránh lãng phí, phù hợp với khả năng đóng góp của những phụ huynh khác thì BĐDCMHS của lớp lại thi nhau đứng lên phát biểu “mua sắm không đáng bao nhiêu tiền, đầu tư để các con học tốt hơn không thể tiếc, cuối năm tặng lại cho HS lớp sau không hề lãng phí, ai đóng thì đóng không đóng thì các PHHS khác đóng bù...”. Dẫu không đồng tình với “định hướng” của ban ĐDCMHS nhưng không ai dám phản đối bởi con em họ vẫn còn học trong trường, lớp và dù không nói ra thì ai cũng hiểu rằng BĐDCMHS đưa ra ý kiến như vậy cũng đã nhận được sự đồng ý “ngầm” từ GVCN. Vì vậy, vô hình trung, PHHS dù không đồng ý thì vẫn phải “tự nguyện” một cách ép buộc.
Tăng cường hơn nữa vai trò của BĐDCMHS |
Đa số ý kiến PHHS cũng phản ánh, BĐDCMHS của lớp phần lớn là những người có điều kiện về kinh tế, có địa vị chức quyền trong xã hội nên việc chi tiêu mua sắm vô cùng “mạnh tay” khiến không ít các phụ huynh có thu nhập bằng đồng lương cán bộ công nhân viên nhà nước phải khóc dở mếu dở vì theo không kịp mà không theo cũng không được với những khoản tiền chi tiêu trang bị cơ sở vật chất cho trường, lớp. Cứ vào năm học là BPH của lớp lại dự kiến các khoản chi tiêu của quỹ lên tới 2-3 chục triệu đồng. Trong đó chi cho việc biếu tặng ban giám hiệu và giáo viên lên tới chục triệu, cùng đó là chi mua máy chiếu, bảng chống loá, lắp máy điều hoà, chạy lại đường điện, hệ thống ánh sáng, cây cảnh tặng nhà trường, sơn sửa bục giảng, giá sách...
Thực tế cũng cho thấy, không chỉ bị động và bị biến thành lá chắn trong các hoạt động thu chi mà các mối quan hệ, sự liên kết và hỗ trợ của BĐDCMHS đối với nhà trường đâu đó còn mang tính cục bộ, không liên tục và chưa xây dựng thành kế hoạch, định hướng cụ thể. Mối quan hệ của BĐDHCMHS lớp với GVCN, với nhà trường chủ yếu tập trung vào thời gian chuẩn bị và diễn ra của 3 cuộc họp phụ huynh (đầu năm học, sơ kết hoc kỳ I và tổng kết học kỳ II) hoặc đối với HS lớp 9 và lớp 12 có thêm cuộc họp chuẩn bị ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 hoặc ôn thi tốt nghiệp THPT. Trong mối quan hệ này, BĐDCMHS chủ yếu đóng vai trò là người tiếp nhận thông tin và các phương án hoạt động, hỗ trợ theo yêu cầu của GVCN lớp hoặc của BGH nhà trường. Mối quan hệ của BĐDCMHS với các giáo viên dạy bộ môn chủ yếu tập trung vào thời gian diễn ra các ngày lễ kỷ niệm như 20/11, Tết Nguyên đán, ngày 8/3... với vai trò là người thay mặt các HS thăm hỏi, động viên các thầy cô có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, trong mối quan hệ giữa BĐDCMHS trường với nhà trường chủ yếu được thực hiện thông qua mối quan hệ giữa trưởng BĐDCMHS trường với BGH nhà trường. BĐDCHMS của nhiều trường thường chỉ tham dự vào các hoạt động bề nổi với vai trò như một cái bóng vào các hoạt động tổng kết, kỷ niệm các ngày lễ lớn và bàn một số hoạt động chung nhất của nhà trường mà chưa phát huy được vai trò, tiếng nói của mình trong nhiều hoạt động quan trọng khác.
Một bất cập lớn làm hạn chế tới chất lượng hoạt động của BĐDCMHS nữa đó là hầu hết các thành viên của BĐDCMHS không được qua các lớp tập huấn về hoạt động của BĐDCMHS nên không ít thành viên của BĐDCMHS chưa nhận thấy vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của BĐDCMHS. Các phương pháp và hình thức hoạt động còn mang tính tự phát, hoặc theo kinh nghiệm của bản thân và cách làm của các khoá trước. Thiếu các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của PHHS về Điều lệ BĐDCMHS... nên không ít thành viên của BĐDCMHS còn quan niệm nhiệm vụ của BĐDCMHS chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nhà trường về vật chất, thu tiền, gây quỹ... Giữa nhà trường và BĐDCMHS gần như thiếu sự bàn bạc thống nhất về kế hoạch dạy thêm học thêm, chưa cùng với nhà trường phối hợp đưa ra các giải pháp triệt để về dạy thêm học thêm; vấn đề các khoản thu trong nhà trường... Có thể nói, hoạt động của BĐDCMHS còn lệ thuộc nhiều vào định hướng của GVCN, vào BGH nhà trường nên tính chủ động không cao, chưa tranh thủ được tiếng nói chung của các bậc phụ huynh trong lớp và trong trường.
Chất lượng hoạt động BĐDCMHS- Không thể xem nhẹ
Một trong những giải pháp hàng đầu để hoạt động của BĐDCMHS đạt kết quả tốt đó là phải tuyên truyền rộng rãi trong PHHS những nội dung thiết thực liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của PHHS. Cần quán triệt nội dung điều lệ hoạt động của các Ban BĐDCMHS đến các nhà trường, các lớp học vì chỉ khi nào BGH các trường, GVCN, GV bộ môn và các BĐDCMHS nắm vững nội dung của Điều lệ hoạt động các BĐDCMHS thì khi ấy mới thực hiện đúng và đủ.
Thu chi đầu năm được công khai, minh bạch |
Việc đổi mới phương pháp, hình thức hoạt động của BĐDCMHS một cách linh hoạt phù hợp với từng hoàn cảnh của nhà trường và địa phương cần được tiến hành. Trước hết giáo viên chủ nhiệm lớp trong các nhà trường cần nắm rõ điều kiện, hoàn cảnh của gia đình học sinh từ đó tư vấn giúp các PHHS chọn BĐDCMHS lớp, BĐDCMHS trường là những người có tâm huyết, có thời gian có điều kiện và có uy tín để điều hành hoạt động của BĐDCMHS. Trong mối quan hệ của các BĐDCMHS với GVCN lớp và nhà trường cần đảm bảo nguyên tắc sự hài hoà giữa tính độc lập với sự phối hợp hoạt động trên tinh thần bình đẳng giữa hai bên.
Từ thực tế hoạt động của BĐDMCHS cũng cho thấy để nâng cao chất lượng hoạt động thì việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ trong các BĐDCMHS cũng vô cùng cần thiết. Căn cứ vào Điều lệ BĐDCMSH và điều kiện cụ thể về tài chính của các phụ huynh học sinh mà BĐDCMHS cần xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ thông qua các PHHS ngay từ đầu năm học làm cơ sở cho việc chi tiêu của BĐDCMHS trong cả năm học. Bên cạnh đó, để hoạt động của BĐDCMHS thực sự có chất lượng cũng cần xây dựng quy chế phối hợp giữa BĐDCMHS lớp với GVCN lớp, BĐDCMHS trường với hiệu trưởng và BGH. Giữa các cuộc họp thường kỳ vào đầu năm học, kết thúc học kỳ và cuối năm cần có các cuộc làm việc thường xuyên giữa trưởng BĐDCMHS hoặc thành viên BĐDCMHS theo phân công với Hiệu trưởng hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp vì vậy cần xây dựng quy chế phối hợp trong đó quy định về thời gian, nội dung phối hợp...
BĐDCMHS chỉ thực sự là cầu nối quan trọng giữa gia đình- nhà trường- xã hội khi có được cái nhìn toàn diện, đầy đủ sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Vì vậy, BĐDCMHS xin đừng là “cái bóng”, hãy là chính mình để có thể phát huy hết vai trò to lớn và chống lại tiêu cực đang ngày càng len lỏi vào môi trường giáo dục.
Sông La