'Ban công của mẹ': 'Thắp lửa' văn hóa đọc cho thiếu nhi

GD&TĐ - Vốn là người có niềm đam mê đọc sách, chị Nguyễn Thu Hương đã quyết định mở một thư viện sách thiếu nhi miễn phí mang tên 'Ban công của mẹ'.

Góc thư viện 'Ban công của mẹ' của chị Nguyễn Thu Hương tại đường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội.
Góc thư viện 'Ban công của mẹ' của chị Nguyễn Thu Hương tại đường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội.

Vốn là người có niềm đam mê đọc sách, chị Nguyễn Thu Hương đã quyết định mở một thư viện sách thiếu nhi miễn phí mang tên “Ban công của mẹ” dành cho các em nhỏ. Nhờ vậy nhiều em nhỏ có thêm không gian để đọc sách, tương tác lĩnh hội kho tàng tri thức đồng thời cùng trao đổi, học tập khám phá nguồn kiến thức vô hạn.

Mở không gian đọc miễn phí

Hành trình xây dựng tủ sách thiếu nhi của chị Nguyễn Thu Hương (37 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) được khởi tạo một cách rất tự nhiên. Khi mang bầu đứa con đầu tiên, chị Thu Hương đã tìm đọc rất nhiều sách về nuôi dạy và chăm sóc trẻ.

Rồi trong suốt quãng đời ấu thơ của con người mẹ này đã mua rất nhiều sách thiếu nhi với mong muốn tạo cho con thói quen đọc và tâm niệm sẽ cùng sách đồng hành với con trong suốt quá trình trưởng thành. Đến nay, khi bé thứ hai nhà chị đã bước vào bậc tiểu học, gia đình chị đã có một kho tàng sách, truyện thiếu nhi khổng lồ.

“Tới khi có em bé thứ hai, tôi nhận ra nhiều cuốn sách ở nhà đã tới lúc không cần dùng nữa. Theo thời gian các con lớn dần lên, những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong giai đoạn mang bầu, giai đoạn từ 1 - 3 tuổi… mà chúng tôi đang sở hữu đã trở nên không còn phù hợp nữa. Vì thế đến năm 2019, tôi quyết định lập một trang mạng xã hội để chia sẻ sách với bạn bè”, người mẹ trẻ cho biết.

Hơn ai hết chị Hương nhận thấy rằng việc để sách nằm không trên giá thì rất lãng phí, nhưng mang tặng thì cũng cần tìm được người phù hợp và biết trân quý sách. Chính vì vậy, đầu năm 2019, chị Hương đã quyết định mở một trang mạng xã hội để chia sẻ sách với bạn bè thân quen.

Ban đầu, chị mong muốn chia sẻ với các mẹ bỉm sữa cũng đang bận rộn nuôi con nhỏ như mình những cuốn sách về giáo dục sớm, dinh dưỡng, nấu ăn, nuôi dạy kỹ năng, phát triển bản thân… Dần dà, khi sắp xếp, phân loại lại tủ sách, chị nhận thấy còn có rất nhiều cuốn sách, truyện thiếu nhi hay mà các con mình đã đọc xong rồi nên biến “kho sách nhỏ” thành thư viện để phục vụ bạn đọc.

Dần dần, “thư viện online” này được bạn bè biết đến nhiều hơn, thu hút đông đảo người tới đọc sách, mượn sách. Vì vậy tháng 7/2024, chị quyết định mở một thư viện tại nhà để thuận tiện cho mọi người ghé qua. Từ đó, thư viện mang tên “Ban công của mẹ” với toàn bộ sách của gia đình chính thức được “khai sinh”.

Chị Hương mong muốn tạo ra một địa điểm đọc sách yên bình, ấm áp, gần gũi như những người trong gia đình. Đến với thư viện tại gia của chị, mọi người không chỉ được đọc sách, mà còn được trò chuyện, chia sẻ như người thân trong gia đình.

“Tủ sách tại thư viện thì hầu hết là sách, truyện dành cho lứa tiểu thiếu nhi, tuổi teen. Nhiều phụ huynh khác khi biết tới thư viện đã tích cực tham gia và gửi sách tới tặng. Để có thật nhiều những đóng góp, ủng hộ tôi nhắn mọi người có thể thoải mái tặng những cuốn sách cũ đã qua sử dụng, không cần phải mua sách mới”, chị Hương vui vẻ chia sẻ.

Khơi dậy niềm đam mê đọc sách

Cứ 2 buổi mỗi tuần, chị Tống Thị Thuỳ Linh (34 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) lại đưa con mình tới “Ban công của mẹ” với mong muốn con được tiếp cận với không gian văn minh này, rèn được thói quen đọc sách và sẽ đọc được nhiều cuốn sách hữu ích hơn.

“Hè vừa rồi, khi con bắt đầu được nghỉ học, bé có tâm tình với mẹ là ở nhà buồn, chẳng có ai chơi cùng, vì vậy tôi tìm nhiều hoạt động đăng ký cho con tham gia để con đỡ nhàm chán. Ngoài đi bơi, chơi cầu lông thì bé cũng rất thích tới thư viện. Các con ở đây đọc truyện cả ngày cũng không chán vì tủ sách rất đa dạng, thoải mái chọn lựa”, phụ huynh này chia sẻ.

Chị Hương cho biết, khi được mẹ đưa đến, nhiều bé không hề thích đọc sách, nhưng sau vài lần “vui đâu chầu đấy” các bạn nhỏ này đã chịu đọc, và ngày một thích thú hơn khi đến thư viện. Thông thường, chị Hương sẽ gặp gỡ nói chuyện với mẹ của các bạn nhỏ, để biết con có hay đọc sách không, sở thích của con thế nào rồi mới đưa ra gợi ý, hướng dẫn con chọn và đọc thử các thể loại sách khác nhau, từ đó “thắp lửa” văn hóa đọc cho các em.

Chị Hương kể rằng, có lần con chị mang sách đến trường để chia sẻ cho các bạn. Tuy nhiên, các em lại không hứng thú với việc đọc sách. Thay vào đó, các bạn nhỏ thích nói về các xu hướng hiện hành trên mạng xã hội, nhưng con chị không dùng mạng xã hội nên bé cũng không hiểu. Chính vì vậy, chị đã động viên con rủ bạn về nhà mình chơi và đọc sách.

“Mỗi thời mỗi khác, khi tôi còn nhỏ, không có nhiều thú vui giải trí nên có một cuốn sách trên tay để đọc là quý lắm, trẻ con trong xóm luân phiên chuyền tay mượn đọc. Còn bây giờ Internet phát triển nên các con sử dụng mạng xã hội nhiều, tiếp xúc với các nội dung ngắn quá sớm.

Điều này phần nào làm giảm khả năng tập trung, khiến các con ngại đọc và “nản” trước những thông tin dài. Nắm được tâm lý đó, tôi đã tìm những cuốn sách có nhiều tranh ảnh, màu sắc bắt mắt cho các bé đọc để khơi dậy sự hứng thú. Dần dần, ngày càng nhiều bạn nhỏ trong lớp thích đến thư viện hơn”, chị Hương giải thích.

Khi được hỏi về định hướng vận hành thư viện cộng đồng của mình, chị Hương đã có những chia sẻ vừa hài hước vừa chân thành rằng, bản thân muốn nhớ được hết tất cả các mẹ và các con đến với thư viện. Bởi như đã nói, giá trị cốt lõi nhất mà “Ban công của mẹ” đem lại là lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng, đặc biệt là các bạn nhỏ một cách chân thành, ấm áp và tận tâm nhất. Chị Hương mong muốn có thể duy trì thư viện sách thật lâu, để tiếp tục đồng hành và kết nối với nhiều gia đình hơn, chung tay cùng nhiều bậc phụ huynh hơn nữa để lan tỏa văn hóa đọc tới các thế hệ tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ