Câu chuyện một người đẹp tham gia phần thuyết trình về sách của cuộc thi Miss Universe Vietnam 2024 cho biết, đến giờ cô “chưa đọc hết một cuốn sách nào” với lý do “là người thực tế và chọn cách trau dồi tri thức qua hình ảnh, âm thanh”, đã khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên để rồi ồn ào, xôn xao.
Không bức xúc sao được khi là người nổi tiếng đấy sao lại dõng dạc kể về trải nghiệm với sách của bản thân với hàm ý xem nhẹ vai trò của sách trong việc trau dồi tri thức.
Tuy nhiên, sự thành thực đó vẫn đáng được chia sẻ trong cái giật mình khi cùng nhìn lại phong trào đọc sách hiện nay được cho là ngày càng sôi nổi, nhất là vào dịp Ngày Sách Việt Nam - 21/4 hàng năm, bắt đầu từ 2014 đến nay với những hội chợ, tuần lễ sách… chật nêm người, ăm ắp đơn hàng.
Rồi thì những hình ảnh ghi lại dáng vẻ đọc sách rất chăm chú của người người, nhà nhà được “khoe” trên mọi nền tảng mạng xã hội đem đến những hy vọng đầy lạc quan về một thế hệ mới thực sự quan tâm đến sách.
Vậy nhưng, liệu rằng phong trào này đã thực sự bền vững hay hiệu quả tới từng cá nhân chưa, nhất là với giới trẻ? Cùng nhìn vào những con số biết nói như: Việt Nam hiện chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc (khảo sát của Bộ TT&TT).
Rồi thì, để trả lời câu hỏi: “Sử dụng thời gian rảnh làm việc gì là chủ yếu”, kết quả thu được: Chỉ có 15% đọc sách còn 41,7% lên mạng, 20% xem phim (khảo sát của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường)…
Đó là những sự thật đáng… hổ thẹn ở đằng sau bề nổi của phong trào. Bởi vậy, cùng với việc tiếp tục thúc đẩy phong trào chung thì cần hơn cả là việc nhìn lại từ bản thân mỗi người đã thực sự hiểu đúng về lợi ích để quan tâm và dành thời gian cho sách chưa?
Đây là việc không dễ giữa thời thông tin bùng nổ, hầu như ai cũng ngóng những dòng tin giật gân lướt nhanh trên các nền tảng mạng xã hội mà lãng quên bao trang sách chứa đựng chiều sâu tri thức.
Song, không có gì là không thể nếu mỗi gia đình, lớp học, nhà trường cùng bền bỉ bồi đắp cho mầm non tương lai niềm đam mê với sách ngay từ thơ bé. Trong đó, vai trò của cha mẹ, thầy cô vô cùng quan trọng, thể hiện bằng việc tích cực xây dựng một gia đình, lớp học, thư viện lấy sách làm trung tâm cho những trò chuyện, trao đổi, giao lưu, qua đó thúc đẩy các em hình thành thói quen tự giác tìm kiếm sách để đáp ứng sự tò mò muốn được khám phá các “kho báu” tri thức.
Lớn lên trong môi trường đó, chắc chắn tình yêu sách sẽ được bồi đắp và tiếp nối bền vững đến từng thế hệ để trở thành nhu cầu thiết yếu trong quá trình phương trưởng từ mỗi cá nhân đến toàn xã hội. Khi đó, phong trào khuyến đọc sẽ đi vào thực chất cùng những con số ấn tượng, không còn là bề nổi theo kiểu có thể tích cực mua sách đấy mà… “quên đọc”!