Thực lực gia đình phải đi đôi với năng lực con trẻ
Mới đây thôi, chúng tôi, khoảng 6 người, đều làm trong ngành Giáo dục, và cũng có chút thành công về công việc (tôi có thành tựu kém nhất trong nhóm 6 người đó). Chúng tôi thảo luận về việc có nhất thiết phải cho con đi du học không? Tôi thì vẫn bình chân như vại, mà nói rằng: Em chỉ cố gắng để con em có khả năng đi thì đi được, và nhất là giúp con em biết đi du học vì điều gì!
Chúng tôi cũng từng chứng kiến những phụ huynh chắt chiu thế nào để hiện thực giấc mơ du học của con.
Chúng tôi cũng biết những đứa trẻ sớm “luyện công” để đi du học, hoặc được chắp cánh bay (hơn cả tàu bay) để sang bên kia đại dương rồi ở đó hay trở về, vẫn chưa hiện thành giấc mơ, vì chúng không mơ, chỉ có người lớn – cha mẹ chúng mơ mà thôi.
Đến nay, tôi viết những điều này bởi vì ám ảnh câu chuyện của một người quen. Cô ấy lại đang cố gắng vay thêm tiền, đi làm thêm một việc gì đó, để đảm bảo rằng, con mình không phải về nước dịp này. Trong khi đó, cậu con trai đã ở tuổi 20, và chưa hẳn đã biết mình đang học điều gì, và đang có vẻ lâm vào trạng thái “stress” khi không thích ứng được với biến đổi cuộc sống của một du học sinh trong bối cảnh đang có dịch Covid.
Tôi hay tự tưởng tượng, 40 tuổi con của tôi sẽ thế nào?
Còn nhớ, những ngày tháng mới sáng lập Alpha school (năm 2013). Tôi có thể dành hàng giờ nói chuyện với phụ huynh; Và tôi cũng khuyên họ đặt câu hỏi đó cho mình.
Tại sao tôi lại đặt câu hỏi đó? Chắc là từ tôi, tôi hiểu tuổi 40 trưởng thành, đủ để tôi cảm ơn những gì cha mẹ mang đến cho tôi trong cuộc đời. Tôi cũng nhận ra mình đã được tạo ra như thế nào từ quá trình giáo dục của cha mẹ mình.
Tôi không đi du học, dù nhiều lần làm hồ sơ, rồi lại ở nhà. Nguyên nhân có nhiều lẽ, có cả lẽ bố mẹ tôi không muốn tôi đi học ở nước ngoài. Nhưng có một lẽ khác đã khiến tôi được học hành đến bây giờ, đó là bố mẹ tôi đều ham học thực sự, và không bao giờ ngừng mong chúng tôi sống tốt hơn.
Tôi vẫn hàng ngày hỏi năm 40 tuổi các con tôi, Thùy Dương sẽ ra sao? Dương Cầm sẽ thế nào?
Và tôi muốn, con tôi sẽ cảm ơn vì tôi không cản trở những gì chúng muốn học, và tôi nhìn đến đâu thì chúng nhìn xa hơn tôi, chúng muốn làm gì thì cũng tự tin mà trải nghiệm.
Tôi sẽ không lao động đến mệt mỏi để tích đủ tiền cho con tôi học.
Tôi cũng sẽ không dừng lại những đam mê của mình để thực hiện ước mơ thay con.
Tôi sẽ gương mẫu học, trưởng thành hơn và dám thực hiện điều mình muốn. Để đến khi con tôi ở tuổi 40, tôi sẽ không trách nó: “Vì con mà mẹ thế này…!”.
Con ước mơ gì đối với gia đình mình?
Tôi hỏi các con tôi câu hỏi này khoảng 2 lần một năm. Thường vào dịp Tết và sinh nhật của con. Nay các con lớn hơn, tôi sẽ thảo luận, và câu hỏi đó có thường xuyên diễn ra hơn. Tôi có lần sững người khi câu trả lời của con mình. Lúc đó, tôi rất bàng hoàng, cả tối không ngủ được, vì hóa ra trong suy nghĩ của con “gia đình mong manh như vậy, tình yêu tôi dành cho con mong manh như vậy”.
Vì sao lại là mong manh! Vì con nói rằng, con ước mẹ thay đổi, mẹ không làm việc nhiều như thế nữa. Mẹ thích vào phòng làm việc, còn con không được đến đó. Và sau buổi tối mất ngủ đó, tôi đã rất ít khi làm việc trong phòng. Đó cũng là một thay đổi lớn, khi tôi đã thay đổi chỗ làm việc từ “phòng riêng” ra ngoài “phòng chung”. Khi tụi nhỏ nhìn tôi làm việc, rồi tụi nhỏ bê sách vở, rời chỗ học riêng để ra ngồi cạnh tôi, tôi thấy ồn ào hơn, nhưng tôi bớt đi sự khó chịu.
Như bây giờ đây, tôi đã có thể ngồi làm việc mà xung quanh có sự nhìn ngó của lũ trẻ, thỉnh thoảng chúng lại hỏi bài, lại cãi cọ. Tôi lại thấy đó là một ơn may. Vì như thế, ở nhà, tôi gần chúng hơn, và ở bất kì đâu, tôi cũng đã tiến bộ hơn khi có thể dễ dàng chấp nhận sự “nhìn” và bàn luận của người khác trong khi mình chìm đắm vào công việc.
Tôi kể câu chuyện đó, để nhắc bản thân mình, và muốn dò hỏi các bạn. Chúng ta có thể chuẩn bị nhiều thứ hoàn hảo, đầy đủ, tràn đầy yêu thương và cả sự hy sinh cho con của mình. Nhưng đó chỉ là một chiều. Chiều còn lại, đó là lắng nghe, đó là sửa mình để hòa đồng vào những “cộng sự” thiêng liêng của chúng ta, đó là con cái. Nếu chúng ta không đặt những câu hỏi, để chúng ta soi mình, soi cả gia đình vào với những bộc bạch của con, thì chúng ta sẽ bị duy ý chí. Hiểu con chi bằng thiết lập sự giao tiếp gần gũi, cởi mở.
Tôi vẫn đang hàng ngày sửa mình, để có thể được trò chuyện dài dài với hai cô con gái. Có những lúc thật sợ, thật hoang mang khi nghe chúng nói. Thấy bị làm phiền. Thấy bị mệt mỏi. Thấy muốn quát và thực sự muốn chấm dứt kiểu nói chuyện “tay đôi” này. Nhưng lúc nghĩ đến những câu trả lời chân thành của các con (lúc chúng mềm mại và nghiêm túc) và cả những tâm sự, những vụ việc tồi tệ của nhiều gia đình khác thì tôi thấy thật may vì đã nói chuyện được với chúng.
Bạn thì sao? Bao lâu rồi, bạn không nói chuyện được vui vẻ với đứa con tuổi 14 của mình? Đã bao giờ bạn hỏi con: “Con có ước mơ gì đối với gia đình mình không?”.