Bám sát thực tiễn phát triển giáo dục

GD&TĐ - Năm 2017 đánh dấu mốc quan trọng bởi trong những ngày cuối năm, Bộ GD&ĐT trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành. Trước đó, ngay sau khi Dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi, dư luận đã rất quan tâm và có hàng triệu ý kiến đóng góp, đồng tình.  

Bám sát thực tiễn phát triển giáo dục

Lương giáo viên sẽ xếp cao nhất

Theo tờ trình do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký gửi Thủ tướng Chính phủ. tại Điều 81 nêu: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.

Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật Giáo dục.

Đây là điểm nhấn quan trọng nhất bởi việc tăng lương cho giáo viên đã đề cập từ lâu. Ở Nghị quyết T.Ư 8 khóa 2 năm 1996, đã có câu “lương của giáo viên sẽ cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp”. Tuy nhiên, hơn 20 năm sau, điều đó vẫn chưa thực hiện được.

Các ý kiến góp ý cho Dự thảo về nội dung này, hầu hết đều cho rằng Dự thảo đã “điểm” trúng những khó khăn nhất mà đội ngũ nhà giáo đang gặp phải, đó là đồng lương - thu nhập chính của nhà giáo. Trong Dự thảo Luật có nêu: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”, là hết sức phù hợp và các cán bộ quản lý giáo dục cũng như các giáo viên rất đồng tình, ủng hộ.

Miễn học phí tới cấp THCS

Ngoài đề xuất lương giáo viên cao nhất, Dự thảo Luật Giáo dục cũng đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí khi bổ sung quy định miễn học phí cho HS tới cấp THCS ở trường công lập.

Cùng với đề xuất về lương giáo viên, nội dung đề xuất liên quan đến vấn đề học phí được đông đảo bạn đọc, trong đó phần lớn là các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp, cho rằng đó thực sự là những đề xuất nhân văn và cần được thông qua để đưa vào thực tiễn. Bởi lẽ, việc miễn học phí cho HS tới cấp THCS trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Vì căn cứ vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng HS. Vì vậy, phải có cơ chế thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục.

Nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà đời sống phụ huynh và HS còn nhiều khó khăn, việc miễn học phí tới cấp THCS sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí học hành cho phụ huynh. Dễ dàng nhận thấy ở các vùng khó, lớp nào cũng có những em HS thuộc diện hộ nghèo, hằng ngày gia đình các em phải làm thuê, làm mướn. Họ lo cho con đến trường đã khó rồi nên việc đóng học phí lại càng khó hơn. Do vậy theo các nhà giáo, miễn học phí cho HS đến cấp THCS là chính sách nhân văn, sẽ kéo giảm tỷ lệ HS bỏ học và giảm áp lực tài chính cho phụ huynh…

Đề xuất nâng chuẩn giáo viên tiểu học

Vấn đề chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo là một trong những nội dung Bộ GD&ĐT cho rằng cần đề cập sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Theo đó, căn cứ vào thực tiễn đội ngũ nhà giáo, dự thảo Luật đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng. Cụ thể, Dự thảo sửa đổi bổ sung điểm a khoản 1 Điều 77 như sau: “Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên mầm non, bằng tốt nghiệp cao đẳng sử phạm đối với giáo viên tiểu học”.

Hầu hết các ý kiến góp ý cho nội dung này được Báo GD&ĐT ghi nhận qua các cuộc hội thảo góp ý Dự thảo, hoặc những ý kiến gửi về của các nhà giáo, của người dân tâm huyết với ngành, đều bày tỏ sự đồng tình với đề xuất. Một số ý kiến nhận xét còn nêu rõ thực tế: Từ báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ đã cho thấy, trình độ giáo viên tiểu học có trình độ trên chuẩn tức là từ cao đẳng trở lên đã là 86,7%. Điều này cho thấy, nếu để trình độ trung cấp thì giáo viên tiểu học khó đáp ứng nhiệm vụ, do đó cần thiết phải đưa vào Luật về việc chuẩn giáo viên tiểu học phải từ trình độ cao đẳng. Điều đó cũng thể hiện sự bám sát thực tiễn giáo dục của Dự thảo. Cùng với đó, nhiều ý kiến cũng lưu ý dù cần thiết nhưng cần có lộ trình cụ thể, đặc biệt là với những địa phương còn khó khăn.

Nhân văn và thiết thực

Như đã nói, ngay sau khi Dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến rộng rãi, dư luận đã rất quan tâm và có hàng triệu ý kiến đóng góp, đồng tình, đánh giá những đề xuất trong Dự thảo đầy tính nhân văn, thiết thực, thậm chí sẽ là “một cuộc cách mạng” nếu những đề xuất như cơ chế tiền lương giáo viên hay học phí cho HS trong Dự thảo trở thành hiện thực.

Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ về Dự thảo, GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - cũng chú trọng tới đề xuất cơ chế lương đặc thù cho nhà giáo. Ông nhấn mạnh: “Một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhưng thu nhập có 3,5 triệu/tháng và hàng tuần vẫn phải nhờ bố, mẹ trợ cấp gạo. Đây là một thực tế, vì vậy tăng lương cho giáo viên là việc làm chính đáng, thiết thực và rất nhân văn”.

Thẳng thắn cho rằng vấn đề lương cho giáo viên không dễ dàng thay đổi, nhưng GS.VS Phạm Minh Hạc chũng chỉ rõ thực tế hiện nay, có lẽ chỉ còn ngành Giáo dục mới sống bằng lương, còn các ngành khác hầu như đều có phụ cấp. Thực tế đó khiến nhiều giáo viên không đủ trang trải cuộc sống bằng lương, không chuyên tâm được với nghề. Trong khi đó, chúng ta đã thống nhất với nhau rằng, muốn nâng cao chất lượng, đổi mới toàn diện căn bản toàn diện GD&ĐT chính là phải đẩy mạnh dạy tốt, học tốt. Mà muốn dạy tốt thì đời sống của giáo viên phải được cải thiện, ít nhất là công bằng với các ngành khác.

“Thiết nghĩ việc đề xuất tăng lương cho giáo viên như trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung là hợp lý” - GS.VS Phạm Minh Hạc bày tỏ quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ