Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, cùng đại diện lãnh đạo, cán bộ của Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội và một số đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT.
Về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của 2 dự án luật sửa đổi, nhóm nghiên cứu cho rằng: Hai Dự án Luật phải thể chế hóa các quan điểm của Đảng theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Hai dự án Luật cũng phải phù hợp với Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và các văn bản của Chính phủ (Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015; Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016...).
Nhóm nghiên cứu nhận thấy hai Dự án Luật này có mối quan hệ với nhau. Cụ thể, Dự án Luật Giáo dục được xây dựng theo hướng điều chỉnh những vấn đề chung nhất về hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm các cấp học và trình độ đào tạo như giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Trên cơ sở đó, Dự án Luật Giáo dục đại học sẽ quy định cụ thể về nội dung liên quan đến hệ thống giáo dục đại học. Tuy nhiên, một số quy định của hai Dự thảo Luật này vẫn chưa thực sự thống nhất.
Ngoài ra, hai Dự thảo Luật này cũng liên quan đến một số văn bản luật hiện hành như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giá, Luật Phí, Lệ phí, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh... Do đó, cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về sự thống nhất của 2 Dự án Luật với Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Giá, Luật Đầu tư công, cũng như sự thống nhất giữa hai Dự án Luật.
Đồng thời cho ý kiến về một số vấn đề khác như: về tên gọi, về giải thích từ ngữ trong 2 Dự án Luật; về việc đầu tư quản lý tài chính và xã hội hóa trong giáo dục, quy định hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục thường xuyên...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng ghi nhận và đánh giá cao Bộ GD&ĐT - Cơ quan chủ trì soạn thảo 2 Dự án Luật, đã tích cực trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan nhằm tiếp thu, chỉnh lý các bản dự thảo.
Đồng thời đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục phối hợp, rà soát và chỉnh lý, hoàn thiện 2 Dự án Luật trong thời gian tới.