TS Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết, từ nhiều năm nay, chủ trương giảm tải được ngành GD-ĐT Đà Nẵng triển khai với những việc làm rất cụ thể như không đưa thêm các hoạt động khác vào trong chương trình học; GV dạy học bám sát chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng với mục tiêu cơ bản của bài học. Việc làm này cũng đã góp phần hạn chế hiện tượng GV “ép cua” để dạy thêm, dạy kèm.
Hằng năm, Bộ GD&ĐT đều có công văn hướng dẫn giảm bớt các bài, các phần kiến thức khó, không phù hợp với HS, không cần thiết hoặc đề xuất tăng thời gian cho những bài, những phần kiến thức quan trọng. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Tài liệu chuẩn kiến thức kĩ năng nhằm giảm bài, giảm bớt kiến thức nặng, không phù hợp. Điều này rất thuận lợi cho GV trong tổ chức dạy học theo hướng phân hóa đối tượng, nâng cao chất lượng đối với HS có học lực trung bình – yếu.
Thực ra, đối với các GV có kinh nghiệm và bản lĩnh thì tự bản thân họ đã chọn lọc được những kiến thức cần cung cấp, chuyển tải cho phù hợp với đối tượng HS. Nếu GV biết phân hóa trình độ HS để có phương pháp dạy phù hợp, với đối tượng HS nào thì cần liên hệ, mở rộng, đối tượng nào thì không cho bài nâng cao quá nhiều so với sức học của HS thì sẽ không quá tải.
Nhưng điều mà chúng tôi quan tâm hơn vẫn là phương pháp dạy và học của thầy và trò - cách tiếp cận kiến thức quan trọng hơn kiến thức. Vì vậy, chúng tôi xác định cần phải tăng cường hơn nữa năng lực của đội ngũ, trang bị các phương tiện dạy học, bồi dưỡng phương pháp lên lớp, đặc biệt phương pháp tự học, tinh thần tự giác, thói quen học tập, năng lực tư duy độc lập của HS. Đó mới là thử thách và khó khăn cần phải vượt qua.