Thưa GS, ông đánh giá thế nào về mức độ phân hóa của điểm thi năm nay?
Với kết quả này, năm nay các trường tốp trên sẽ tuyển sinh thuận lợi, không cần dùng đến tiêu chí phụ. Tuy nhiên do khu vực điểm cao có rất ít thí sinh nên đường cong phổ điểm dốc mạnh.
Điều này có nghĩa là chỉ cần tăng, giảm 0,25 điểm thì số lượng thí sinh trúng tuyển sẽ thay đổi lớn. Do đó nếu năm ngoái các trường tốp trên phải sử dụng đến tiêu chí phụ để xét tuyển thì năm nay các trường tốp giữa có lẽ phải thực hiện giải pháp này để đảm bảo tuyển không vượt chỉ tiêu đã đăng ký.
Phổ điểm các môn thi mà Bộ GD ĐT vừa công bố cho thấy đề thi năm nay có độ phân hóa tốt. Vùng điểm cao có rất ít thí sinh. Đại bộ phận điểm thi các môn tập trung trong khoảng 4-6 điểm, trừ các môn Sử và tiếng Anh. Kết quả này cho thấy những thí sinh có sức học bình thường có thể đạt được điểm trung bình.
Từ điểm trung bình trở lên, điểm thi phân hóa rõ rệt để tạo thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển. Có thể nói ban đề thi đã có nhiều cố gắng để thực hiện được mục tiêu của kỳ thi lấy kết quả vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Với việc rất ít bài thi đạt mốc điểm từ 9 – 10, liệu điểm chuẩn của các trường, nhất là các trường top trên có nhiều biến động hơn so với năm 2017 không, thưa ông?
Năm nay số thí sinh điểm cao từ 28 điểm trở lên thấp hơn rất nhiều so với năm trước. Mặt khác điểm ưu tiên năm nay cũng được điều chỉnh giảm nên điểm đầu vào của các trường tốp trên sẽ thấp hơn so với năm 2017.
Năm 2016 và 2017 điểm sàn duy trì ở mức 15 điểm cho 3 môn. Khi đó điểm trung bình các khối thi cao hơn 15 điểm. Tổng chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ sư phạm khoảng 450.000, tức khoảng 50% tổng số thí sinh dự thi. Những năm trước có khoảng 100.000 thí sinh trên điểm sàn nhưng không đăng ký xét tuyển vào ĐH. Năm 2017 sau khi lọc ảo có rất nhiều thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng không nhập học.
Năm nay điểm trung bình các khối thi khoảng 15 điểm. Vì thế điểm chuẩn vào nhiều trường ĐH sẽ được điều chỉnh giảm để tuyển đủ chỉ tiêu. Các trường sẽ cân nhắc để công bố điểm nhận hồ sơ phù hợp. Điểm trung tuyển vào trường/ngành có thể cao hơn điểm nhận hồ sơ xét tuyển.
Tuy nhiên điều này không gây khó cho các trường và cũng không gây thiệt thòi đối với thí sinh vì hệ thống lọc ảo của Bộ sẽ hỗ trợ các trường xác định được danh sách thí sinh trúng tuyển thực tế, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển nguyện vọng cao nhất có thể trong số các nguyện vọng đã đăng ký.
Xin cảm ơn GS!