PGS.TS Đỗ Anh Tài phân tích:
"Năm nay, tôi thấy phổ điểm đánh giá đúng về thực lực thí sinh cũng như việc tổ chức thi, chấm thi. Đặc biệt các môn chính như Toán – Lý – Hóa, phổ điểm tuân theo luật phân phối chuẩn với điểm nhiều nhất (giá trị mode) phân bố trong phạm vi điểm 5. Tôi cho rằng đây là điều rất đúng với thực tế ở việc tổ chức ra đề, chấm thi phù hợp với quy chuẩn.
Điểm thi năm nay số điểm cao không nhiều nhưng ngược lại cũng có nhiều điểm thấp, đây là điều tốt cho một kỳ thi được Bộ GD&ĐT tổ chức với hai mục tiêu: Tốt nghiệp THPT và tuyến sinh ĐH. Tôi cho rằng việc thiết kế như vậy là phù hợp, đáp ứng nhu cầu của các trường ĐH trong việc tổ chức xét tuyển sinh viên. Điểm thi đã phân hóa được thí sinh, thể hiện đúng thực lực của thí sinh, giúp cho các trường tuyển sinh thuận lợi hơn.
Với phổ điểm của các khối thi, về cơ bản điểm của các khối năm nay tương đồng nhau, không quá chênh lệch. Phổ điểm bình quân các khối là 15 điểm, nếu xét 3 môn thì mỗi môn là 5 điểm. Dự đoán năm nay, khả năng điểm sàn sẽ thấp hơn so với năm trước.
PGS.TS Đỗ Anh Tài - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, ĐH Thái Nguyên |
Đã có gần 20 trường xác định được điểm xét tuyển. Còn các trường khác, đặc biệt là các trường nằm ngoài khu vực Hà Nội đang phải cân nhắc để làm sao tuyển đúng và đủ số lượng sinh viên so với chỉ tiêu đề xuất. Chắc chắn nhiều trường sẽ đưa ra mức điểm chuẩn bằng điểm sàn.
Hiện Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên chưa đưa ra mức điểm chuẩn. Khả năng trong tuần tới, nhà trường sẽ xác định điểm tuyển để thí sinh nộp hồ sơ và giấy báo trúng tuyển. Trước mắt, nhà trường chưa đề cập đến phương án tuyển sinh riêng bởi vì điều này chỉ một số trường lớn sẽ làm thí điểm, còn nhà trường nằm trong khối của ĐH Thái Nguyên nên việc này phải chung với ĐH Thái Nguyên".