Bài toán tài chính từ ký túc xá

GD&TĐ - Đầu năm học, TS Vũ Mạnh Cường – Trưởng Ban Quản lý Khu nội trú – Trường ĐH Tây Bắc cùng các đồng nghiệp tổ chức buổi gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các HS, SV ở các tòa nhà KTX, từ đó có những điều chỉnh trong quản lý, nâng cấp cơ sở vật chất để vừa thu hút, vừa “giữ chân” SV ở với KTX lâu dài. 

TS Vũ Mạnh Cường (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) lắng nghe ý kiến của SV Khu nội trú
TS Vũ Mạnh Cường (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) lắng nghe ý kiến của SV Khu nội trú

Đây chính là một trong những bước chuẩn bị cho thời gian tới sẽ tiến tới tự chủ của Ban Quản lý Khu nội trú.

Đổi mới toàn diện cách thức quản lý

Nhìn lại công tác quản lý Khu nội trú hiện tại, TS Vũ Mạnh Cường nhận định đã có một sự thay đổi căn cốt, nhất là từ khi anh được tham gia khóa học ngắn hạn Học bổng Chính phủ Australia về Nhập môn về Quản lý và Lãnh đạo. Với sự tư vấn của các chuyên gia quốc tế, được đi tham quan, học hỏi các trường ĐH ở Việt Nam, anh Cường đã áp dụng những gì được học vào trong công việc quản lý hàng ngày.

Đầu tiên là quản lý chung, đánh giá tổng thể trong đơn vị; xây dựng các kế hoạch cho từng lĩnh vực; xây dựng môi trường làm việc tích cực, thu hút HS, SV đến KTX, cùng đó, nhận biết về những biến động của hoạt động quản lý HS, SV.

Hiện tại, thay vì bị động chờ đợi SV đăng ký vào KTX như trước đây, anh Cường và các đồng nghiệp mở rộng tuyên truyền, coi việc thu hút SV là nhiệm vụ liên quan đến việc tồn tại của Khu Nội trú. Việc gặp gỡ SV đầu năm học chính là một trong những hoạt động tuyên truyền được nhấn mạnh. Bài toán được đặt ra và mọi người trong đơn vị đều nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến, cùng làm việc, cùng gánh vác trách nhiệm.

Bên cạnh đó, xác định phải xây dựng được kế hoạch chiến lược cho đơn vị, các cán bộ đơn vị trao đổi, thảo luận, từ đó đề ra một kế hoạch chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Quy chế làm việc được xây dựng theo hướng có thưởng phạt rõ ràng, ai làm nhiều được hưởng nhiều trên cơ sở  thực hiện các chế độ theo quy chế nội bộ đơn vị. Từ đó tạo ra động lực để mọi người hiểu rằng nếu không thay đổi, bản thân họ sẽ bị đào thải.

Khen thưởng các cán bộ hoạt động tích cực
 Khen thưởng các cán bộ hoạt động tích cực 

Điều đặc biệt là Khu Nội trú giờ ứng dụng CNTT trong quản lý các khu nhà KTX. Đơn vị đã đề nghị nhà trường làm đề tài đặt hàng về phần mềm quản lý SV trong KTX. Điều đổi thay đầu tiên là việc tương tác với SV được nhiều hơn thông qua các trang nhóm nội bộ, trên facebook, nhắn gọi trực tiếp vào các số điện thoại của Trưởng tòa nhà KTX.  

Bảo vệ tòa nhà cũng quản lý các phòng thông qua điện thoại thông minh, khiến công việc đảm bảo an ninh trật tự hiệu quả hơn, nắm bắt tình hình các phòng trong KTX nhanh nhạy hơn.

Trước đây, các nhà KTX hoạt động độc lập, nhà nào biết nhà đấy thì nay các nhóm quản lý nhà phải phối hợp với nhau để quản lý, học hỏi, trao đổi lẫn nhau. Cùng đó, phát huy các nhóm SV, như thành lập Hội SV Lào tự quản, phổi hợp cùng bảo vệ nhắc nhở các bạn.

Từ đó phục vụ SV tốt hơn, sửa chữa điện nước kịp thời, nắm bắt nguyện vọng của SV để có hướng tư vấn, hỗ trợ, giải quyết, tổ chức các hoạt động tập thể gắn kết các SV, tạo một không khí đấm ấm gắn bó giữa các cán bộ Khu nội trú với HS, SV trong các KTX.

Ví như cách quản lý nhà KTX đã rất linh hoạt, tạo điều kiện về giờ giấc để SV có thể đi làm thêm. “Em thấy ở KTX được các thầy cô chăm sóc như ở nhà vậy” – Một lưu học sinh Lào chia sẻ.

Họat động tập thể của SV Khu nội trú
Họat động tập thể của SV Khu nội trú 

Tự chủ và bài toán khó về tài chính

Trong kế hoạch chiến lược của Trường ĐH Tây Bắc, từ năm 2019 đến năm 2023 sẽ tự chủ ít nhất một đơn vị, trong đó nhóm sẽ tự chủ có Ban Quản lý Khu nội trú vì đây là đơn vị có thu. TS Vũ Mạnh Cường cho biết sẽ hạch toán trong cả một năm rồi có báo cáo với nhà trường. “Chắc chắn chúng tôi sẽ tự chủ. Nhưng tự chủ như thế nào thì cần cân nhắc rất kỹ lưỡng, có thể sẽ theo hình thức tự chủ một phần” – TS Cường chia sẻ.

Khu nội trú hiện có 8 nhà KTX với hơn 1.400 HS, SV và 15 cán bộ. Thu tiền phí nội trú cả năm trung bình gần 1 tỷ đồng, nhưng chi tiền lương của cán bộ cũng khoảng 1 tỷ rồi, chưa kể chi phí cho vệ sinh môi trường, sửa chữa cơ sở vật chất cùng các khoản thu khác.

Với chế độ chính sách hỗ trợ cho HS, SV của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh Sơn La nên giá cho thuê phòng 3 tòa nhà do tỉnh đầu tư chỉ 50.000 đồng/tháng. 1 năm học 1 HS, SV chỉ phải trả 500.000 đồng.

Nếu 5 tòa nhà còn lại do nhà trường đầu tư lại nâng phí lên thì vô hình trung sẽ tạo ra sự không công bằng giữa SV các KTX, có khi còn tạo ra cơ chế xin – cho thiếu mình bạch. Vì thế cả 8 nhà KTX đều thu phí với giá 50.000 đồng/tháng. Với chế độ hỗ trợ như vậy, theo TS Cường thì không thể tự chủ hoàn toàn được, vì nguồn thu hỗ trợ sinh viên không thể bù lại các chi phí khác.

“Hiện giá phòng ở bên ngoài Khu Nội trú cũng không đắt, nên nếu tăng giá phòng KTX sẽ lại khó thu hút các em đến ở. Bên cạnh đó, hơn 80% HS, SV ở trong các nhà KTX là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chính bởi vậy chúng tôi cũng rất cân nhắc việc tăng giá phòng ở. Hiện chúng tôi có lợi thế là phụ huynh HS, SV rất yên tâm gửi gắm con đến ở các nhà KTX vì vấn đề an ninh, kỷ luật và tin tưởng và các thầy cô.

Trước mắt chúng tôi dự định xin nhà trường cơ chế tự chủ một phần, rồi dần dần phát huy thế mạnh, đổi mới cơ chế quản lý, linh động tìm nguồn thu khác, gỡ khó tài chính để tiến tới tự chủ sâu hơn.” – TS Vũ Mạnh Cường chia sẻ.

“Chúng tôi vừa thực hiện các công việc trước mắt, vừa hình thành một tư duy lâu dài, xây dựng kế hoạch chiến lược cho đơn vị trong năm học này, chiến lược 2 năm, 3 năm và nhiều năm tiếp theo. Tự chủ là xu thế tất yếu nhưng cần nhiều cân nhắc, tính toán với đơn vị đang phục vụ đối tượng là lưu học sinh Lào và các HS, SV dân tộc thiểu số như Ban Quản lý Khu nội trú.” TS Vũ Mạnh Cường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.