Bài toán đầu vào sư phạm - cần sự nhìn nhận sát thực tiễn

GD&TĐ - Không phải chỉ mùa tuyển sinh 2017 mà từ những năm trước, tuyển sinh và đào tạo sư phạm luôn là một bài toán khó. Tuy nhiên, khi xảy ra mức chênh lệch điểm chuẩn vào trường sư phạm với các trường khác như công an, quân đội, y dược thì bầu không khí dư luận lại nóng lên gần cả tháng qua.

Bài toán đầu vào sư phạm - cần sự nhìn nhận sát thực tiễn

Đã tới lúc, cần cái nhìn thấu đáo, toàn diện để có thể tìm lời giải và đáp số cho chất lượng đầu vào cũng như đào tạo nguồn nhân lực người thầy cho xã hội.

Không phải tất cả các trường sư phạm có điểm chuẩn thấp

Căn cứ vào điểm chuẩn vào đại học năm 2017 mà các trường đã công bố, có thể thấy các trường tốp trên, từng có thương hiệu (trực thuộc Trung ương) vẫn giữ được “phong độ” tuyển sinh như những năm trước, nghĩa là điểm chuẩn vẫn cao, thậm chí có trường còn tăng khoảng 1 -2 điểm so với năm 2016, như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, mức điểm dao động từ 17,5 đến 27,75 điểm.

Trong đó, các ngành đào tạo sư phạm không ngành nào dưới 18 điểm. Ngành lấy điểm cao nhất của trường này là Sư phạm Toán dạy bằng tiếng anh với 27,75 điểm. Tương tự, tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ngành lấy điểm cao nhất của trường là sư phạm Toán với 26,25 điểm, các ngành thuộc nhóm sư phạm cũng có mức điểm chuẩn dao động từ 17,75 đến 26,26 điểm. Đây là mức điểm không biến động nhiều so với mọi năm của trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Tuy điểm chuẩn vào trường năm học này chưa được ngang bằng với những trường lớn nói trên, nhưng ĐH Sư phạm Đà Nẵng (ĐH Đà Nẵng) vẫn đảm bảo được nguồn tuyển và có phần khởi sắc hơn những năm trước, với mức điểm chuẩn hoàn toàn có thể chấp nhận được: ngoài hai ngành Sư phạm Tin học và Sư phạm Sinh học có điểm chuẩn chỉ là 15,75 và 17,5, thì các ngành còn lại của trường đều có điểm chuẩn từ 21,5 trở lên. Ngành Sư phạm Toán có điểm chuẩn cao nhất là 24,25 điểm.

Điểm chuẩn vào ngành SP thấp hầu hết rơi vào các trường tốp dưới và trường địa phương, như Trường ĐH Vinh: trong 6 ngành đào tạo sư phạm của trường chỉ có ngành Sư phạm Tiểu học có mức điểm 22, tất cả các chuyên ngành còn lại đều lấy bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (15,5 điểm).

Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, với 14 ngành đào tạo sư phạm thì có 6 ngành lấy điểm bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thấp nhất là Trường ĐH Sư phạm Huế chỉ có một số ngành như Sư phạm Toán học, Sư phạm Địa lý có mức điểm chuẩn 16-16,5 điểm…

Đâu là nguyên nhân cơ bản?

Chỉ nhìn vào mức điểm chênh khá xa của điểm chuẩn vào ngành SP so với các ngành công an, quân đội, y dược đã có thể thấy ngay nguyên nhân cơ bản đầu tiên lượng thí sinh thi vào các trường, khối ngành SP giảm là xuất phát từ tâm lý thực dụng xã hội. Ai cũng biết SV vào học 2 ngành CA, quân đội vừa không phải đóng học phí (có ngành còn được phụ phí), khi ra trường còn được bố trí việc làm ngay.

Tương tự, ngành Y Dược, bác sĩ tốt nghiệp ra trường không khó xin việc làm khi dân số ngày càng tăng, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng nhiều, mạng lưới BV ngày càng được mở rộng. Khách quan nhìn nhận, sở dĩ các trường sư phạm lớn, có bề dày đào tạo vẫn thu hút được thí sinh là vì vẫn còn cơ may được tuyển dụng; có một số ngành đào tạo vẫn thu hút sinh viên, như Toán, Văn, Ngoại ngữ... vì đây là những ngành mà SV ra trường có cơ hội giảng dạy và thu nhập.

Trong thực tế, nếu hệ thống các trường công an, quân đội, y dược cũng phát triển về số lượng một cách “thông thoáng” như hệ thống trường, khoa sư phạm thì chưa chắc điểm đầu vào đã cao hơn ngành Sư phạm ở các trường tốp trên như đã nói. Đằng này, số lượng trường, khoa sư phạm những năm qua phát triển với tốc độ quá nhanh; địa phương nào cũng có ít nhất một trường ĐH, một trường CĐ đào tạo Sư phạm.

Một số trường đào tạo đa ngành vẫn có đào tạo sư phạm, thậm chí đào tạo để cấp chứng chỉ sư phạm cho SV đã theo học ngành khác chỉ để duy trì nguồn thu hàng năm. Để trường hoạt động được thì phải đủ chỉ tiêu tuyển sinh, thế là các trường sư phạm, nhất là các trường sư phạm địa phương phải tuyển đầu vào bằng điểm sàn, tuyển sinh bằng mọi giá.

Tồn đọng này đã và đang được khắc phục dần, tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh Sư phạm ra trường không có việc làm ngày càng cao, kéo theo sự giảm sút niềm tin của người học.

Ngoài nguyên nhân cơ bản nêu trên, cũng còn một vài nguyên nhân khác từ phía người học. Thầy giáo Trần Ngọc Tuấn ở TP Hồ Chí Minh trong một bài viết trên báo đã tâm sự rất thật: “ Nhiều năm gắn bó với HS khối 12, hiểu nguyện vọng, suy nghĩ và cảm xúc của các em trong việc lựa chọn nghề nghiệp, chúng tôi hiểu phần nào nguyên nhân tại sao nhiều HS không mặn mà với nghề giáo…Nhiều lớp không có HS nào chọn vào ngành này.

Về nguyên nhân, đa số các em cho rằng nghề dạy học cần phải nghiêm túc, gương mẫu, nên không hợp với tính cách. Một nửa số em được khảo sát cho rằng nghề giáo vất vả, gò bó, không được tự do mà thu nhập lại thấp.

Cá biệt lắm mới có những em chọn theo học vì yêu thích, hoặc có cha mẹ đang là giáo viên nên khuyên con nối nghiệp. Điều đáng nói là những HS có lực học khá, giỏi, xuất sắc thường không chịu làm thầy”. Hẳn thế hệ thầy cô giáo đi trước các em nghe ra cũng rất ngậm ngùi.

Ngành giáo dục không thể đơn thương, độc mã

Trong guồng vận hành chung về đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo tất nhiên là nhận lãnh trách nhiệm về mặt chất lượng. Tuy nhiên, việc giải quyết bài toán đầu vào trong bối cảnh con số cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp tăng cao như hiện tại thì đòi hỏi phải có các bộ, ngành khác liên quan cùng chung tay.

Đề án quy hoạch “Phát triển nhân lực ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020” của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xuất phát từ sự đánh giá sát đúng thực trạng: “ Việc đào tạo đội ngũ giáo viên không gắn với nhu cầu tuyển dụng về số lượng, cơ cấu cấp học, môn học cho giáo dục ở nhiều vùng miền khác nhau dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên ngay trong từng cơ sở giáo dục và ở hầu hết các địa phương”.

Thấy rõ điều này nhưng Bộ GD&ĐT nhiều lúc vẫn “lực bất tòng tâm” do chức năng quản lý nhà nước về GD đã được phân định rõ. Một số khâu tuyển dụng, phân công, phân nhiệm, nhân sự còn phụ thuộc vào các bộ, ngành khác và cấp quản lý địa phương, chứ ngành GD&ĐT không được giao quyền chủ động hoàn toàn. Chính vì vậy, việc giải bài toán khó đầu vào ngành giáo dục và đào tạo cũng không thể “đơn thương, độc mã”.

Giải pháp tháo gỡ bất cập đầu tiên phải tính đến là giảm quy mô đào tạo SP ở các trường, nhất là trường địa phương (số lượng tuyển sinh còn quá lớn so với các trường SP trọng điểm). Không chỉ giảm sâu chỉ tiêu đào tạo mà phải sắp xếp tinh gọn, sàng lọc hệ thống các trường sư phạm trên cả nước; đào tạo phải gắn với sử dụng, giải quyết việc làm cho SV tốt nghiệp ra trường.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sắp tới Bộ GD&ĐT quyết tâm xây dựng chuẩn trường Sư phạm. Tới đây sẽ quy hoạch theo hướng tập trung vào các trường đại học sư phạm lớn, dần dần có chính sách để đầu ra - đầu vào hợp lý với sự phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan. "Bộ sẽ có những buổi làm việc riêng với các trường sư phạm để có những tính toán phù hợp. Trong đó việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ phải được ưu tiên làm ngay - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phần đông dư luận cho rằng, nếu SV sư phạm học xong cũng bố trí công tác như các ngành công an, quân đội thay cho miễn học phí thì khả năng ngành sư phạm sẽ có được chất lượng đầu vào không thua kém các ngành khác. Khi đó, trách nhiệm của các trường, các khoa sư phạm sẽ bớt khó khăn hơn, chỉ tập trung ở nâng cao chất lượng đầu ra chứ không phải “loay hoay” đối phó ngay ở chất lượng đầu vào.

PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Đà Nẵng hiến kế: Sinh viên Sư phạm cũng có thể học tập bổ sung để tham gia các công việc khác của XH như: dịch vụ du lịch, báo chí, tổ chức sự kiện, quảng bá thương hiệu, chủ động khởi nghiệp... Hay việc học tập liên thông ngang, dọc giữa các ngành trong trường và ngoài trường đối với SV Sư phạm.

Theo đó, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã xây dựng các chương trình liên thông trong và ngoài trường. Thí sinh khi đỗ vào học một ngành cử nhân nào đó của Trường thì sau một học kì có thể được học song song một chương trình SP khác, hoặc học một chương trình cử nhân khác của trường, hoặc học một chương trình của trường ĐH thành viên của ĐHĐN (ĐHKT, ĐHNN, ĐHBK... chẳng hạn).

VD: một thí sinh trúng tuyển vào học CN Văn hóa học, sau một học kì SV này có thể học một chương trình SP Văn học, Lịch sử, Địa lí... hay học một chương trình của ĐHKT, hay ĐHNN... Các SV này chỉ học với thời lượng khoảng 30-40 chương trình thứ hai, và khi ra trường được cấp hai bằng đại học chính qui.

Lời giải cho bài toán tuyển dụng GV chắc chắn không của riêng ngành Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên, các Sở, phòng GD-ĐT vẫn cần nâng cao vai trò tham mưu, phối hợp với cơ quan chức năng địa phương để đảm bảo tính khoa học, công tâm trong quy trình tuyển dụng hàng năm.

Một ý kiến cũng rất thuyết phục của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ được xem là giải pháp để nâng cao chất lượng, thu hút người học: quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo.

Đã đến lúc các trường sư phạm cần phải chuyển hướng đào tạo chất lượng cao, sản phẩm đào tạo phải tinh túy, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ