Xóa bỏ những rào cản
Tại Việt Nam, ĐTTX đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong việc nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ cho các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đồng thời góp phần thực hiện bình đẳng trong giáo dục, tạo cơ hội cho người dân được học suốt đời, khắc phục được những khó khăn về khoảng cách địa lý giữa người học với các cơ sở đào tạo. Người học tận dụng được nhiều kênh thông tin để tiếp thu kiến thức, nhà trường bớt được chi phí xây dựng lớp học.
Trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay, hình thức này cần được phát triển mạnh mẽ vì nó là tiền đề để xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức - một xu thế phát triển của kinh tế thế giới trong thế kỷ 21.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Văn Thanh - nguyên Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về mô hình ĐTTX - hiện nay, công tác tuyển sinh hệ ĐTTX ngày càng gặp nhiều khó khăn; một phần do nguồn tuyển sinh chủ yếu là những người đã có việc làm, cơ bản đã hoàn thành phổ cập chương trình ĐH, CĐ muốn học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn không cần lấy bằng cấp; nhiều trường ĐH mới thành lập đã tạo cơ hội cho người học nhiều sự lựa chọn hơn, làm giảm thị phần đối với ĐTTX. Ngày càng có nhiều HS tốt nghiệp THPT lựa chọn các nghề hơn là học ĐH, CĐ.
Bên cạnh đó, nhiều trường có ĐTTX chưa thực sự đầu tư công sức, tài chính để sản xuất học liệu và phát triển công nghệ, dẫn tới việc nhiều trường tổ chức dạy tập trung tại các địa phương thông qua các trạm đào tạo, tạo ra sự biến tướng của loại hình đào tạo này. Mặt khác quy trình quản lý và đảm bảo chất lượng còn lỏng lẻo nên xã hội chưa thực sự tin cậy về loại hình đào tạo này.
PGS.TS Lê Văn Thanh phân tích: Mặc dù đã triển khai được hơn một thập kỷ, nhưng ĐTTX ở nước ta vẫn đang trong quá trình xây dựng, tiến độ còn chậm, nhiều hạn chế. Yếu kém thể hiện trong các khâu: Việc xét tuyển đầu vào không chặt chẽ như hệ chính quy, công nghệ đào tạo lạc hậu, công tác tổ chức quản lý đào tạo chưa chặt chẽ, chưa khoa học. Đặc biệt việc tổ chức thi - kiểm tra chưa bảo đảm tính khách quan và chưa sàng lọc trong quá trình đào tạo, vẫn còn hiện tượng chạy theo số lượng, chạy theo thành tích, dẫn đến chất lượng ĐTTX thấp, kéo theo những định kiến xã hội cho loại hình này.
Cần tạo động lực cho người học
ĐTTX là hình thức đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển xã hội học tập. Để nâng cao chất lượng đào tạo, ThS Nguyễn Kim Phước - Trường ĐH Mở TPHCM cho rằng: Các giải pháp để nâng cao chất lượng loại hình đào tạo này phải tập trung vào việc tăng cường quản lý với một mô hình phù hợp. Việc đổi mới các quy định về ĐTTX cần theo hướng cập nhật các tiến bộ về công nghệ và tiếp cận theo hướng mở. Việc cập nhật tiến bộ công nghệ đòi hỏi thay đổi các điều kiện mở lớp, các quy định về trạm ĐTTX, các yêu cầu về quản lý lớp hay kiểm tra… trong bối cảnh áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Tiếp cận theo hướng mở tránh sự đồng nhất ĐTTX với đào tạo chính quy trong những thủ tục, quy trình mang tính hành chính; Tập trung xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng về ĐTTX và yêu cầu kiểm định ngoài bắt buộc đối với các chương trình đào tạo này. Các tiêu chuẩn kiểm định cần bao hàm toàn bộ các yếu tố của quá trình đào tạo như: Cơ cấu tổ chức, chương trình đào tạo, học liệu, giảng viên, dịch vụ SV, cơ sở vật chất tài chính…
Để thay đổi nhận thức xã hội về hình thức ĐTTX, cần phải thực hiện các nghiên cứu sâu về ĐTTX, chất lượng ĐTTX, mức độ đáp ứng mong đợi của hình thức này đối với người học và người sử dụng lao động.
Còn TS Dương Thăng Long, Phó Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội, đào tạo mở và ĐTTX chủ yếu là việc tự học trên hệ thống tài liệu và trao đổi từ xa hướng tới tính chủ động trong học tập. Người học là trung tâm, tuy nhiên với yêu cầu ngày càng cao của xã hội, hình thức này cũng có nhiều sự cải tiến.
Một trong những cải tiến quan trọng của ĐTTX là vẫn cung cấp các buổi trao đổi, thảo luận trực tiếp theo phương thức mặt giáp mặt với một thời lượng nhất định. Việc tổ chức các buổi thảo luận như vậy với thời lượng ngắn nhằm đáp ứng được nhu cầu giải đáp thắc mắc của người học phát sinh trong quá trình học tập.
Đa số các trường ĐH tại Việt Nam đang áp dụng hình thức này trong tổ chức ĐTTX, với việc mời giảng viên tới tận địa phương của người học, vào các thời gian phù hợp, để hỗ trợ người học. Ngoài việc giải đáp thắc mắc, người dạy có thể truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của mình, giúp nâng cao chất lượng đào tạo.