Bài thuốc trị lá ngón của quân y biên phòng

GD&TĐ - Thiếu tá Lê Anh Đức đã cứu sống nhiều bệnh nhân khỏi “lưỡi hái của tử thần” mang tên lá ngón...

Bác sĩ Đức cấp cứu người bị ngộ độc lá ngón. Ảnh: TG
Bác sĩ Đức cấp cứu người bị ngộ độc lá ngón. Ảnh: TG

Nhiều năm trở lại đây, bằng tình cảm, trách nhiệm cùng y đức và y thuật của mình, Thiếu tá Lê Anh Đức đã cứu sống nhiều bệnh nhân khỏi “lưỡi hái của tử thần” mang tên lá ngón.

Chiếm trọn niềm tin yêu

Thiếu tá Lê Anh Đức sinh ra và lớn lên tại tỉnh Nghệ An. Năm 1994, anh nhập ngũ và năm 1996 được đơn vị cử đi học tại Trường Trung cấp Y tế tỉnh Nghệ An (nay là Đại học Y khoa Vinh).

Sau thời gian học tập, ra trường, anh được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Keng Đu thuộc huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ở nơi núi rừng hẻo lánh, thâm u chướng khí, nhiều căn bệnh “lạ” không làm cho chàng y sĩ trẻ chùn bước, trái lại càng tạo động lực để anh tiếp tục phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, thành thạo kỹ năng phục vụ đồng đội và người dân.

Tốt nghiệp Đại học Y Hải Phòng, anh được điều về công tác tại Đồn biên phòng Tri Lễ. Từ đó đến nay, ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, anh và đồng nghiệp còn thường xuyên đến các làng bản làm công tác dân vận, khám chữa bệnh cho đồng bào.

Nhớ lại những ngày đầu về Tri Lễ, anh Đức kể: “Lần đầu đến thăm bệnh cho một em bé bị sốt rét ở bản Na, tôi không nhận được sự hợp tác bởi bà con không tin, không cho bộ đội khám bệnh. Họ nghĩ rằng bộ đội chỉ đánh được giặc chứ làm sao mà đánh được “thứ lạnh” trong người”.

Nhưng với tinh thần trách nhiệm của một lương y, anh Đức bình tĩnh, kiên nhẫn giải thích, thuyết phục gia đình, mãi rồi cũng tiêm được thuốc cho bệnh nhân. Sau hai lần tiêm và uống thuốc, cháu bé hết sốt, dần ổn định sức khỏe. Câu chuyện bộ đội biên phòng diệt trừ được “thứ lạnh” trong người từ đấy cũng lan truyền khắp các thôn, bản.

Với lòng yêu thương và tận tuỵ với nghề, anh Đức nhanh chóng tạo được niềm tin của bà con. Người dân dần dần thay đổi, tự rủ nhau đi khám, chữa bệnh, bảo nhau cách ăn, ở vệ sinh khoa học, đi ngủ mắc màn chống muỗi, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tự giác thực hiện những điều bộ đội căn dặn ...

Dù địa hình đi lại khó khăn, nhưng những lúc có ca bệnh nặng, bất kể đêm tối hay mưa rét anh Đức vẫn không quản ngại đường xa, đến tận nhà bệnh nhân để điều trị tận tình. Từ đấy, cái tên “thầy thuốc bản làng” dành cho anh trở nên quen thuộc khắp buôn, làng xã Tri Lễ.

Nhắc lại thời điểm tháng 9/2022 khi cơn bão số 4 (bão Noru) tràn qua tỉnh Nghệ An, nhiều người dân còn nhớ như in hình ảnh bác sĩ Đức cùng các chiến sĩ biên phòng bất chấp hiểm nguy, băng mình giữa dòng nước xiết, kịp thời cứu chữa tại chỗ cho hàng trăm người dân gặp nạn. Sau khi nước rút, anh cùng đồng đội lại khẩn trương dọn dẹp, khử trùng, vệ sinh phòng dịch, giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Nhiều người dân vẫn còn nhớ mãi hình ảnh bác sĩ Đức kịp thời cứu chữa tại chỗ cho người gặp nạn. Ảnh: TG

Nhiều người dân vẫn còn nhớ mãi hình ảnh bác sĩ Đức kịp thời cứu chữa tại chỗ cho người gặp nạn. Ảnh: TG

Bài thuốc quý “đặc trị lá ngón”

Sống tại xã nghèo, trình độ dân trí thấp nên mỗi khi gặp chuyện buồn trong cuộc sống hay mâu thuẫn gia đình, nhiều người dân tìm đến lá ngón để tự “giải thoát’, dẫn đến nhiều cái chết thương tâm.

Những cảnh ngộ đó thôi thúc anh Đức cùng đồng đội nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, áp dụng tổng hợp các phương pháp dân gian cứu người. Để xử lý ngộ độc lá ngón hiệu quả, anh dùng thân cây chuối đập nát, vắt lấy nước, hòa với nước rau má tươi. Sau đó, anh thả một, hai con nhái sống vào hỗn hợp này trong vài phút, vớt nhái ra, rồi cho nạn nhân uống. Anh Đức lưu ý, người làm công việc cấp cứu tuyệt đối không sử dụng thêm nước lạnh hoặc nước sôi, tránh chất độc ngấm nhanh hơn vào nội tạng nạn nhân.

Qua cơn nguy kịch, nạn nhân được tiêm thuốc kháng Histamine (Dimedron), thuốc trợ tim, trợ sức, Coticoid (Hydrococtison) thì sẽ ổn dần. Anh Đức chia sẻ, trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, các anh phát hiện ra trong nước thân cây chuối và nước rau má tươi có chất ức chế chất độc của lá ngón, khi đổ hỗn hợp nước này vào dạ dày nạn nhân phải nhanh chóng kích thích giúp họ nôn ra hết.

“Việc thả con nhái sống vào bát nước hỗn hợp có mục đích lấy chất tanh, kích thích nạn nhân nôn. Trong trường hợp không tự nôn được thì phải dùng tay hoặc sử dụng thiết bị y tế để rửa ruột, dạ dày cho nạn nhân. Việc cứu sống nạn nhân tùy thuộc vào chất độc đã ngấm sâu vào cơ thể hay chưa. Do vậy, mỗi khi tiếp nhận trường hợp ngộ độc lá ngón thực sự là một cuộc chạy đua với thần chết để giành giật lại sinh mạng”, anh Đức chia sẻ.

Nạn nhân bị ngộ độc lá ngón đầu tiên được anh Đức cứu sống thành công bằng bài thuốc này là anh Lô Văn Xuân (sinh năm 1997, bản Yên Sơn, xã Tri Lễ). Anh Xuân được người thân đưa đến Trạm quân dân y kết hợp trong tình trạng da tím tái, suy hô hấp.

Đứng trước sự lựa chọn sinh tử đó, anh Đức quyết định sử dụng bài thuốc dân gian để loại bỏ nhanh nhất có thể độc tố trong dạ dày nạn nhân. Sau 2 giờ cấp cứu tích cực, thể trạng anh Xuân dần ổn định, không còn nguy kịch đến tính mạng. Từ năm 2016 đến nay, với bài thuốc của mình, anh Đức đã cứu sống được 23 người dân tự tử bằng lá ngón.

“Tiếng lành đồn xa”, bài thuốc của bác sĩ Đức được áp dụng phổ biến tại các trạm quân dân y trên toàn tuyến biên giới tỉnh Nghệ An và cứu sống thêm rất nhiều trường hợp ngộ độc lá ngón. Cứu người là việc quan trọng nhưng điều anh Đức luôn trăn trở là ngăn chặn bi kịch ngay từ gốc rễ, phải làm thay đổi nhận thức của bà con vùng cao để họ “nói không với lá ngón”. Vì vậy, hằng năm, anh cùng đồng đội kết hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền về tác hại của cây lá ngón cho bà con dân tộc thiểu số, tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Với nhiều đóng góp trong suốt quá trình công tác, Thiếu tá, bác sĩ Lê Anh Đức đã được các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt, mới đây, Thiếu tá Lê Anh Đức là một trong 68 cá nhân tiêu biểu được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 623-NQ/ QUTW ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ