Bệnh mạch vành là bệnh tim do các biến cố của động mạch cơ tim gây ra có các biểu hiện như: thiếu máu cơ tim cục bộ hay thiếu máu cơ tim , dẫn đến cơn đau vùng tim. Bệnh gồm các thể chính sau:
Nhồi máu cơ tim cấp.
Cơn đau thắt ngực .
Những thể thiếu máu cơ tim cấp và bán cấp.
Thể thiếu máu cơ tim không triệu chứng.
Các thể này được y học cổ truyền miêu tả trong các bệnh danh: quyết tâm thống, chân tâm thống, tâm tý, hung tý... Theo y học cổ truyền, nguyên nhân cơ bản do công năng hoạt động của tạng tâm, tỳ, can, thận giảm sút sinh chứng đàm thấp cách trở gặp lạnh làm khí trệ, huyết ứ gây ra các hiện tượng đau thắt lồng ngực hoặc nặng hơn là nhồi máu cơ tim. Ngoài ra còn có thể do nguyên nhân thất tình (7 thứ tình cảm) thái quá, gây mệt mỏi quá độ làm tổn thương các tạng trên khiến cho tâm dương bất chấn, đàm trọc ứ trở, khí cơ bất thông, tâm mạch, lạc mạch tắc nghẽn, máu lưu thông không lợi, tim mất dinh dưỡng mà sinh ra bệnh. Trên lâm sàng, khi thấy cơn đau thắt ngực xuất hiện, cần theo nguyên tắc "cấp trị tiêu, hoãn trị bản" chữa ngay cái ngọn của nó trước để thông tê khai khiếu, hồi dương cứu nghịch cứu ngay cơn đau đớn của người bệnh tránh khỏi tử vong sau đó cần điều trị tiếp tục tùy nguyên nhân gây bệnh.
Bài viết sau xin đề cập đến cách bấm huyệt, châm cứu và sử dụng Đông dược chữa các cơn đau thắt ngực để ổn định.
Biểu hiện cơn điển hình: Đau sau xương ức đột ngột hay xảy ra khi đang đi vội, leo dốc, làm việc nặng, lên cầu thang, gặp lạnh đột ngột hoặc thức khuya, làm quá sức... Bệnh nhân có cảm giác tức ngực như có vật gì đè lên sau xương ức hoặc bên ngực trái đau lan lên hai vai, có khi lan cả lên hai quai hàm dưới, xuống cả phía trong tay trái lan lên cổ. Cũng có khi cảm giác đau nhói hoặc nóng bỏng. Thường người bệnh có cảm giác bồn chồn lo sợ, cơn kéo dài vài giây đến vài phút, cơn có thể thưa hay mau, nếu kéo dài hơn 30 phút phải nghĩ đến nhồi máu cơ tim thì phải nằm yên và gọi cấp cứu.
Biểu hiện cơn không điển hình: Vị trí là hướng lan đau ở vùng trên xương ức có khi chỉ đau ở tay, vùng thượng vị, vùng cổ có khi lan ra sau gáy xuống lưng, ra hai tay ngón út đặc biệt không bao giờ lan ra ngón cái và hàm trên. Về cường độ đau, có khi chỉ cảm giác tưng tức sau xương ức. Cơn đau thắt ngực có khi tự phát xảy ra lúc ngủ, hoặc có cơn xúc động mạnh về tình cảm, có khi xảy ra liên tục xuất hiện dễ dàng chỉ sau một cử động nhẹ.
Các triệu chứng khác do khí trệ huyết ứ
Tức ngực, đau vùng tim từng cơn thưa thớt hoặc liên tục, chất lưỡi tím hay có điểm ứ huyết. Mạch trầm tế sác.
Day bấm huyệt để làm dịu cơn đau
Huyệt linh đạo: Huyệt này nằm trên vân ngang cổ tay 1,5 thốn ở đầu mé xương trụ trên huyệt thần môn 1,5 thốn.
Dùng đầu ngón tay cái day 1,5-2 phút trên huyệt linh đạo, sau đó vừa ấn mạnh vừa day 2-3 phút; cuối cùng day nhẹ 1,5-2 phút. Mỗi ngày 1 lần, 15 ngày là một liệu trình, mỗi liệu trình cách nhau 3 ngày. Sau 15 ngày nên đi kiểm tra điện tâm đồ và nếu cần phối hợp điều trị bằng cách thuốc tim mạch.
Day bấm huyệt này có thể điều hòa khí huyết tâm mạch, hạ cơn đau vùng tim, hoạt huyết giảm đau. Cách thao tác giản tiện, người bệnh có thể tự day bấm cho mình, là một trong các biện pháp phòng và chữa bệnh đau thắt tim khi xa thầy thuốc.
Huyệt chí dương: Huyệt chí dương nằm ở dưới đốt sống lưng 7, là điểm gặp nhau của đường nối hai đầu mỏm bả vai và đường dọc xương sống.
Dùng đầu ngón cái tay phải ấn mạnh vào huyệt chí dương và day theo chiều kim đồng hồ từ 30 giây - 1 phút cơn đau sẽ giảm dần, cần thao tác liên tục từ 5-10 phút.
Bấm huyệt này có tác dụng lưu thông khí huyết kinh mạch, thông đạt dương khí, lý khí khoan hung hoạt huyết giảm đau.
Bài thuốc điều trị thể khí trệ huyết ứ
Bài 1: Qua lâu 20g, đào nhân 12g, phi bạch (củ hẹ) 12g, vỏ chanh già 12g. Sắc 600ml nước (3 bát) còn 200ml (1 bát) uống lúc ấm.
Bài 2: Huyết phủ trục ứ thang gia giảm: Xuyên khung 12g, hồng hoa 12g, phi bạch 8g, sinh địa 12g, chỉ xác 8g, qua lâu 8g, đương quy 12g, cát cánh 8g, trần bì 8g, xích thược 12g, sài hồ 12g, đào nhân 16g, cam thảo 6g. Sắc với 600ml nước (3 bát) còn 200ml (1 bát) uống lúc ấm.
Phương pháp châm cứu: Châm bổ các huyệt nội quan, tâm du, chiên trung, hợp cốc.
Có thể châm vài lần trong ngày tùy theo số lượng cơn đau.
Tuy nhiên cần chú ý phân biệt cơn đau do nhồi máu cơ tim thì nên cho bệnh nhân nằm nghỉ, dùng thuốc giãn mạch nitroglycerin ngậm dưới lưỡi và gọi xe cấp cứu. Nhồi máu cơ tim (NMCT) Đông y gọi là chân tâm thống. NMCT là do động mạch vành bị tắc nghẽn, máu không vào nuôi cơ tim gây ra cơn đau thắt cơ tim.
Triệu chứng: Thường cơn đau có triệu chứng của đau thắt tim, vị trí đau thường sau xương ức và vùng trước tim. Đau kiểu cơn đau thắt ngực nhưng dữ dội và kéo dài. Người bồn chồn, khó thở, mặt tái nhợt, chân tay giá lạnh, vã mồ hôi, hoảng hốt khó thở nếu cơn đau kéo dài trên nửa giờ đa phần là nhồi máu cơ tim cấp.
Các biện pháp đều phòng: Bệnh tim mạch nói chung và bệnh đau vùng tim là một bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao, để phòng bệnh cần chú ý đến các khâu ăn uống, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí, phòng dục và rèn luyện thân thể.
Về ăn uống: Cần chú ý giảm ăn đường và bột đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt nạc, cá, dùng dầu thực vật (không dùng dầu dừa) hay mỡ động vật, ăn các thức ăn giúp giảm mỡ máu như tỏi, rau cần, vừng đen... đặc biệt không ăn no quá, nên ăn nhiều bữa trong ngày, không ăn mặn quá. Không hút thuốc, uống rượu bia, không nên lạm dụng các chất kích thích như cà phê, chè đặc.
Lao động: Nếu đã có triệu chứng mô tả trên cần nghỉ ngơi, làm các việc nhẹ, đi khám bác sĩ tim mạch và tuân thủ điều trị và thăm khám định kỳ.
Rèn luyện thân thể: Nên tập thể dục nhẹ nhàng như thái cực quyền, đi bộ, tập dưỡng sinh, thiền... cần kiên trì tập đúng phương pháp và thường xuyên chú ý không nên chơi thể thao đòi hỏi gắng sức như cử tạ, chạy, bơi.
Về tinh thần: Giữ cho thần thái được ung dung tự tại không nên quá vui buồn, giận, lo, sống vị tha, hòa đồng với tập thể xung quanh và gia đình.
Về vệ sinh thân thể: Cần giữ gìn vệ sinh thân thể, mặc quần áo thoáng mát, không để nhiễm lạnh đột ngột đặc biệt không tắm khi ăn no, không tắm nước lạnh, không mặc áo quá chật, đeo đồng hồ, cravat hoặc trang sức chật, làm ảnh hưởng đến tuần hoàn.
Về hoạt động phòng the: Nên điều độ không nên thái quá, đặc biệt khi cơ thể mệt mỏi, xúc động, ăn no, nhiễm lạnh càng không nên gần gũi vợ chồng.
Lương y Lê Minh Vân